1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhức nhối hơn 7.000 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội hơn 3.000 tỉ đồng

(Dân trí) - “Cơ quan BHXH đã khởi kiện hơn 7.000 doanh nghiệp vì nợ hơn 3.000 tỉ đồng đóng BHXH. Trong khi đó, cả nước còn 60 % doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, tình trạng người lao động trong doanh nghiệp phá sản không được thực hiện trách nhiệm BHXH đang nhức nhối”.


Công tác khởi kiện nợ BHXH mới thu được khoảng 30 % số tiền. (Ảnh minh họa)

Công tác khởi kiện nợ BHXH mới thu được khoảng 30 % số tiền. (Ảnh minh họa)

Ông Đỗ Văn Sinh - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, trao đổi với PV Dân trí về tình trạng nợ đóng BHXH năm 2015. Theo đó, số tiền doanh nghiệp nợ BHXH dù chiếm 3,68 % trong tổng số thu, nhưng đã thấp hơn nhiều so với con số 4,5 - 6,2 % của những năm trước.

Thưa ông, báo cáo của công tác giám sát liên ngành về BHXH chỉ ra một thực tế là còn tới hàng ngàn doanh nghiệp nợ BHXH, đặc biệt có tỉ lệ 60 % doanh nghiệp chưa tham gia BHXH?

Tới cuối năm 2015, cả nước hiện có khoảng 480.000 doanh nghiệp có đăng ký mã số thuế. Trong khi đó, cơ quan BHXH VN mới quản lý được 199.500 doanh nghiệp tham gia BHXH, chiếm khoảng 42 %.

Trong số 199.500 đơn vị tham gia BHXH như trên, có tới 22.231 đơn vị nợ BHXH và không có khả năng giải quyết quyền lợi BHXH cho người lao động. Các doanh nghiệp này đang sử dụng có 175.958 người lao động với số nợ 1.900 tỉ tiền nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.

Thực tế có khoảng 60 % doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, chủ yếu có mô hình hoạt động rất nhỏ, chỉ sử dụng từ 2-5 người lao động/doanh nghiệp.

Vậy nguyên nhân khiến phát sinh tình trạng nợ BHXH là gì, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân tích tụ tạo ra số nợ hiện nay. Về cơ chế, chính sách, do Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11, Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn mức lãi suất tiền vay ngân hàng.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp cố tình chậm đóng chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng Quỹ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN

Chưa có quy định trách nhiệm của cơ quan đầu tư khi cấp phép thành lập doanh nghiệp phải cung cấp thông tin của doanh nghiệp: Về địa điểm trụ sở hoạt động, ngày bắt đầu hoạt động, lao động đăng ký để cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp cận yêu cầu doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.

Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội thấp, chưa đủ sức răn đe việc doanh nghiệp chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội thay vì đi vay ngân hàng.

Về phía người sử dụng lao động, người lao động. Ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm. Nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước đứng đầu trong việc trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng của người lao động vào Quỹ BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với các cơ quản lý nhà nước về BHXH, BHYT trong kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp còn hạn chế, không thường xuyên.

Thông qua công tác khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, số tiền thu được ra sao, thưa ông?

Trong năm 2015, ngành BHXH VN đã khởi kiện 7.111 đơn vị với số tiền nợ BHXH là 3.029 tỉ đồng. Số tiền thu được chỉ là 817 tỉ đồng (chiếm hơn 30%), gồm: 632 tỉ đồng từ các đơn vị xin hòa giải và chủ động tự nộp, 185 tỉ đồng từ công tác thi hành án. Số tiền còn lại khả năng khó xử lý được

Theo BHXH VN, trong 22.231 doanh nghiệp nợ BHXH, có khoảng 20.000 doanh nghiệp không còn giao dịch BHXH, dừng hoạt động, phá sản giải thể. Đặc biệt, gần 2.000 doanh nghiệp “mất tích” hoàn toàn, 106 doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn.

Trong số doanh nghiệp nợ BHXH, khoảng 3.300 doanh nghiệp bị khởi kiện và không có khả năng thu hồi tiền. Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã có nhiều nỗ lực để truy thu nhưng thực tế các hành vi vi phạm không thuyên giảm.

Theo phản ảnh của Tổng LĐLĐ VN, nhiều người lao động đang trở thành “con tin” do doanh nghiệp phá sản hoặc bỏ trốn dù trước đó đã trích tiền lương để đóng BHXH, nhưng không nộp vào quỹ BHXH. Ông có ý kiến gì về thực trạng này?

Với tư cách là cơ quan tổ chức thực hiện việc thu, chi trả BHXH, cơ quan BHXH VN đã báo cáo với Chính phủ về tình trạng này nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để có giải pháp giải quyết mới.

Về phía luật pháp, có một thực tế là ngay cả Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016) cũng không có quy định chi tiết nào để giải quyết hỗ trợ cho người lao động khi thuộc doanh nghiệp nợ BHXH vì lý do phá sản, bỏ trốn hoặc không có khả năng thi hành án.

Cũng cần nói thêm, thời gian vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ ban hành nghị định để giải quyết một số trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH.

Theo đó, những lao động trong doanh nghiệp tới tuổi nghỉ hưu hoặc chốt sổ BHXH để chuyển đơn vị mới, nếu tự nguyện đóng góp phần còn thiếu để hoàn thành thời gian hoặc chủ động chốt sổ BHXH tại thời điểm đó thì cơ quan BHXH đều linh động giải quyết.

Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề là cơ quan BHXH không thể giải quyết quyền lợi của người lao động vì thiếu cơ sở báo cáo về số nợ BHXH của doanh nghiệp (phá sản, bỏ trốn...), trong đó đã bao gồm phần trích từ tiền lương của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan BHXH.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện

TIN VẮN:

Chỉ có 13 % người lao động được đóng BHXH

Kết quả trên vừa được Đoàn giám sát liên ngành về việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp năm 2015 tại 6 tỉnh, được công bố chiều 22/3 tại Hà Nội.

Theo đó, chỉ có 13 % người lao động được tham gia BHXH tại 6 tỉnh giám sát. Số liệu này kém xa mặt bằng chung 22 % tham gia BHXH trong cả nước và còn có một khoảng khá cách xa với mục tiêu của Nghị quyết 21, theo đó vào năm 2020 tỉ lệ trên phải đạt 50%. Đơn cử trong 6 tỉnh được giám sát, duy nhất có tỉnh Khánh Hòa đạt tỉ lệ tham gia BHXH là 23% người lao động được tham gia BHXH, còn lại đều ở mức thấp: Tỉnh An Giang chỉ đạt 6,6%; Đồng Tháp đạt 8,3%, Nam Định đạt 12,2 %...Với tỉ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, dù chưa đạt mục tiêu nhưng xem ra còn có căn cứ để hy vọng. Kết quả giám sát cho thấy, tỉ lệ 14% lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 65 % dân số tham gia BHYT tại 6 tỉnh chưa cao. Nguyên nhân có từ nhiều phía, nhưng điểm chính vẫn là ý thức chấp hành pháp luật BHXH của doanh nghiệp chưa cao.

Q.H

Quỹ hưu trí bổ sung - nhu cầu tất yếu cần có trong doanh nghiệp

Theo bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, một trong những định hướng cải cách chính sách lương hưu trong thời gian tới là mở rộng diện bao phủ, bao gồm cả hình thức bắt buộc và tự nguyện.

Theo đó, Nhà nước cần mở rộng diện bao phủ lương hưu cho người cao tuổi, khuyến khích các hình thức tự tiết kiệm, tham gia quỹ hưu trí, mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ… Đây cũng là một trong những cách nhằm thực hiện mục tiêu được Nhà nước đặt ra là đến năm 2020, có 50% số người lao động tham gia BHXH.

Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tuổi thọ của người Việt Nam tăng gấp 1,5 lần mức gia tăng tuổi thọ trung bình trên thế giới. Phần lớn người cao tuổi có đời sống hết sức khó khăn, sống dựa vào sự chăm sóc của xã hội, con cháu hoặc tự làm việc mà không có tích lũy. Trong khi đó, chỉ 30% số người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước; 30% số người cao tuổi không có bảo hiểm y tế. Thực tế này đòi hỏi chính sách bảo hiểm hưu trí của Việt Nam thay đổi để nâng cao mức sống, bảo đảm an sinh cho người về hưu cũng như người cao tuổi.

V.T