Nhu cầu tuyển điều dưỡng viên tại CHLB Đức rất lớn

(Dân trí) - Sáng 5/9, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ quán CHLB Đức và Viện Goethe đã tổ chức khai giảng khóa 3 về đào tạo tiếng Đức và bồi dưỡng kiến thức cho 177 học viên tham gia Chương trình đưa lao động VN sang học tập và làm chăm sóc người già tại CHLB Đức.

Nhu cầu tuyển điều dưỡng viên tại CHLB Đức rất lớn - 1

Phát biểu tại Lễ khai giảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định ý nghĩa và tính cấp thiết của chương trình sau hơn 2 năm triển khai.

“Số chỉ tiêu số lượng học viên mỗi khóa đều tăng lên, riêng khóa 3 tăng 118% so với chỉ tiêu kế hoạch. Đây là cơ hội lớn cho người lao động Việt Nam có nguyện vọng làm việc trong ngành điều dưỡng tại CHLB Đức. Đồng thời, việc cung ứng lao động qua đào tạo cũng phần nào đáp ứng nhu cầu cao về nguồn nhân lực làm điều dưỡng viên tại CHLB Đức“ - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đồng thời, kết quả trên cũng đánh dấu sự phát triển mới trong mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Kinh tế năng lượng Đức và Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam

Theo Bộ LĐ-TB&XH, với việc ký kết bản thỏa thuận bổ sung này, từ năm 2018 chỉ tiêu tuyển chọn và đào tạo đối với cả 2 ngành điều dưỡng viên chăm sóc người già và người bệnh sẽ tăng lên là 400 người.

Trước đó, ngày 13/6/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Công ty Vivantes (CHLB Đức) đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác bổ sung, mở rộng thêm hợp tác tuyển chọn, đào tạo đưa lao động Việt Nam sang học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện ở Đức.

Tại Lễ khai giảng, bà Iris Assenmacher - Tham tán Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam - đánh giá cao việc hợp tác giữa Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cùng Bộ LĐ-TB&XH trong việc đào tạo các lao động Việt Nam làm việc trong ngành điều dưỡng chăm sóc người già tại CHLB Đức.

“Thông qua kết quả thực tế, việc hợp tác đã chỉ ra phương thức làm thế nào để có thể tuyển dụng lao động chuyên môn cho lĩnh vực điều dưỡng một cách thành công và công bằng cho tất cả các bên liên quan” - Bà Iris Assenmacher phát biểu.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với học viên nghề điều dưỡng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với học viên nghề điều dưỡng.

Vị tham tán Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam cho rằng, điều dưỡng là nghề thường xuyên tiếp xúc với mọi người, những người dễ bị tổn thương, nhạy cảm hoặc già yếu. Vì vậy, nghề đòi hỏi người lao động phải có những kỹ năng nghề nghiệp nhất định.

Được biết, chương trình gồm nội dung đào tạo ngôn ngữ và nghề chuyên môn. Việc đào tạo ngôn ngữ tại Việt Nam do Viện Goethe đảm trách. Công ty Vinates chịu trách nhiệm đào tạo kiến thức ngành điều dưỡng chăm sóc người già trên nền tảng chương trình giảng dạy được công nhận cấp quốc gia. Học viên hoàn thành khóa học sẽ được cấp chứng chỉ Điều dưỡng viên có giá trị trên toàn liên bang Đức.

Tiến sỹ Hecman - Giám đốc điều hành Công ty Vivantes cho biết: “Công ty cam kết về việc học viên sau khi đạt được trình độ tiếng Đức B2 sẽ được nhận một suất bọc nghề tại trường đào tạo nghề. Nếu tốt nghiệp khóa đào tạo nghề này, học viên sẽ được bố trí 1 vị trí làm việc ổn định tại CHLB Đức với mức thu nhập hấp dẫn”.

Trên cơ sở Ý định thư đã được ký giữa 2 bên (Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam, Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức), Bộ LĐ-TB&XH đã giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước ký kết Thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Vivantes-Diễn đàn cho người cao tuổi CHLB Đức trong về việc tuyển chọn, đào tạo, đưa lao động Việt Nam sang học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng, chăm sóc người già tại CHLB Đức. Viện Goethe được lựa chọn là đơn vị đào tạo tiếng Đức cho các học viên của dự án.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Bộ LĐ-TB&XH: Hướng dẫn người lao động đi làm việc tại Thái Lan theo hợp đồng

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa ban hành hướng dẫn người lao động đăng ký thủ tục đi làm việc tại Thái Lan theo hợp đồng. Lĩnh vực làm việc tạm thời được giới hạn trong ngành xây dựng và đánh bắt cá.

Nhu cầu tuyển điều dưỡng viên tại CHLB Đức rất lớn - 3

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, quy định về lao động được áp dựng từ quý 2/2017, trên cơ sở thỏa thuận tuyển dụng lao động đã ký giữa hai Chính phủ Việt Nam và Thái Lan, căn cứ vào Biên bản làm việc giữa Bộ LĐ-TB&XH (Việt Nam) và Bộ Lao động (Thái Lan).

Tại Việt Nam: Chi phí làm hộ chiếu, khám sức khỏe, lệ phí visa, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, đóng góp Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định. Tiền dịch vụ cho doanh nghiệp đưa đi không quá 1 tháng lương cơ bản cho 1 năm hợp đồng. Nếu người lao động đi qua Trung tâm lao động ngoài nước thì chi phí hành chính phải nộp là 250USD/lao động/hợp đồng. Tại Thái Lan: Chi phí khám sức khỏe sau khi đến Thái Lan: 500Baht, Bảo hiểm y tế: 1600Baht/năm, Giấy phép làm việc: 900Baht/năm và 100Baht lệ phí nộp đơn xin giấy phép làm việc. Đóng góp bảo hiểm xã hội: 5% lương tháng (chỉ áp dụng với lao động trong ngành xây dựng). Các chi phí khác do người sử dụng lao động chi trả. Người lao động không phải trả tiền môi giới, khoản tiền này chủ sử dụng lao Thái Lan sẽ trả cho công ty môi giới Thái Lan. Vé máy bay cho người lao động từ Việt Nam sang Thái Lan khi bắt đầu hợp đồng và từ Thái Lan về Việt Nam khi hoàn thành hợp đồng sẽ do chủ sử dụng lao động chi trả.

P.O

Tổ chức sàn giao dịch xuất khẩu lao động tại TP HCM

Theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, trong tháng 9, một sàn giao dịch chuyên biệt dành riêng cho lĩnh vực này sẽ được tổ chức tại TP.HCM. Đây là hoạt động nhằm mục đích hạn chế rủi ro cho người đi xuất khẩu lao động.

Nhu cầu tuyển điều dưỡng viên tại CHLB Đức rất lớn - 4

Được biết, Sàn giao dịch việc làm ngoài nước sẽ được tổ chức thí điểm tại huyện Bình Chánh, TP HCM. Theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, có 43 đơn vị đăng ký tham gia và đã được Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP thẩm định các nội dung, như: Giấy phép hoạt động, thị trường tuyển dụng, nội dung đào tạo, kể cả các khoản chi phí đưa người lao động ra nước ngoài làm việc cũng được công khai minh bạch.

Dự kiến trong thời gian tới, Sàn giao dịch sẽ được tổ chức luân phiên tại 5 huyện ngoại thành TP.HCM gồm Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn. Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP.HCM đang chốt danh sách chính thức các doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tham gia chương trình. Đây cũng là sàn giao dịch xuất khẩu lao động đầu tiên tại khu vực phía Nam.

V.T

Xử 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Mai Thị Hiệu (SN 1983, trú tại phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4, Điều 139-BLHS.

Nhu cầu tuyển điều dưỡng viên tại CHLB Đức rất lớn - 5

Theo hồ sơ vụ án, Mai Thị Hiệu là nhân viên hợp đồng tại một trường trung cấp nghề. Cuối năm 2012, phía Hàn Quốc có ra văn bản tạm dừng việc tuyển dụng lao động là người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, Mai Thị Hiệu vẫn khoe có nhiều mối quan hệ nên có thể đáp ứng những ai có nhu cầu đi xuất khẩu lao động với mức giá từ 10.000 USD - 10.500 USD/người.

Từ năm 2012 - năm 2014, Mai Thị Hiệu đã thu phí của các thanh niên ở Thanh Hoá 27.000 USD (tương đương với số tiền 560 triệu đồng). Sau khi nhận tiền và hồ sơ xong, Mai Thị Hiệu tiếp tục thực hiện nhiều động tác lừa dối để các bị hại yên tâm chờ đợi. Tuy nhiên, sau nhiều lần ra hạn xuất khẩu nhưng những người nộp tiền đều không được đi nước ngoài, hành vi lừa đảo của Mai Thị Hiệu đã lộ tẩy. Những người gửi tiền đã đòi lại nhưng Hiệu đã không trả được.

Tại phiên tòa xét xử (hôm 18/8), bị cáo Hiệu đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, bị cáo tỏ rõ sự ăn năn hối hận. Kết thúc phiên tòa, sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cùng đơn tố cáo của các bị hại, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hiệu 9 năm tù về tội danh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cộng với 7 năm tù của bản án trước cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt ở 2 bản án bị cáo phải Hiệu phải chấp hành là 16 năm tù.

C.L