1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhiều thách thức cho thị trường lao động hội nhập

Cuối năm 2015, Việt Nam sẽ chính thức bước vào “sân chơi chung” Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), theo đó, người lao động sẽ được phép tự do luân chuyển giữa các nước thành viên.

Đây vừa là cơ hội cho lao động Việt Nam tự do lựa chọn nơi làm việc và được đối xử bình đẳng, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn khi tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ của lao động nước ta chưa cao.

So với nhiều nước trong khu vực ASEAN, thị trường lao động Việt Nam nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng có nhiều ưu điểm như lực lượng lao động nhiều và trẻ, người lao động nhiệt tình, cần cù, sáng tạo... Tuy nhiên, nguồn lao động của chúng ta vẫn còn hạn chế như năng suất và kỹ năng còn thấp.

Người lao động cần được nâng cao tay nghề, ngoại ngữ để sẵn sàng hôi nhập. Ảnh: Kim Tuyết
Người lao động cần được nâng cao tay nghề, ngoại ngữ để sẵn sàng hôi nhập. Ảnh: Kim Tuyết

Theo báo cáo của Tổ chức lao động Quốc tế công bố mới đây, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương: Thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.

“Đội ngũ lao động trong nước cũng như tại TP Hồ Chí Minh luôn quen với các đặc điểm như cần cù, chịu khó, giá rẻ... trong khi đó vấn đề đáng lo ngại của nguồn lao động là hạn chế về kiến thức chuyên môn và các kĩ năng như ngoại ngữ, thực hành”, Ths Nguyễn Thị Hà, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Ông Lưu Đình Vinh, trường Cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng khi tham gia vào AEC, người lao động Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng phải sử dụng ngôn ngữ chung của cộng đồng - ở đây là tiếng Anh. Thế nhưng khảo sát của các tổ chức quốc tế cho thấy, kỹ năng tiếng Anh của người lao động của Việt Nam ở mức trung bình thấp, với số điểm là 51,5%, riêng TP Hồ Chí Minh là 53,4%.

Bên cạnh đó, mỗi năm thành phố có khoảng 55.000 sinh viên và học viên ra trường, nhưng phần đông khó tìm được việc làm do thiếu kỹ năng mềm, yếu kém về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tế.

“Việc dạy nghề cần có sự kết hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp để nắm bắt được nhu cầu, qua đó đào tạo chuẩn xác lao động có kỹ năng cao với ngành nghề đáp ứng được nhu cầu của xã hội, đặc biệt cần hướng tới đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế”. Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lao động xã hội

Nhiều doanh nghiệp cũng nhận định, phần lớn sinh viên Việt Nam ra trường ngoài yếu kém về kỹ năng mềm còn thiếu kỹ năng làm việc nhóm và khả năng giao tiếp ngoại ngữ nên mặc dù kết quả học tập cao nhưng đa phần phải đào tạo lại mới làm việc được...

Theo các chuyên gia lao động, khi AEC được thành lập, chỉ có 8 ngành được phép luân chuyển lao động là kế toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sỹ, bác sĩ, y tế, điều tra viên, du lịch.

Tuy nhiên, so với toàn bộ cơ cấu kinh tế tại TP Hồ Chí Minh, lao động ở một số ngành này lại chiếm số lượng không nhiều so với tổng lượng lao động hiện có. Chẳng hạn như năm 2011, lao động trong ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chỉ có 12.379 người (chiếm 0,5% trong tổng số lao động hiện có), đến năm 2012 con số này tăng lên 12.864 người (chiếm 0,52%). Điều này cho thấy, cơ hội dành cho lao động TP Hồ Chí Minh cũng bị thu hẹp hơn.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của người lao động Việt Nam khi hội nhập, theo ông Lê Đình Vinh, ngay từ bây giờ nếu người lao động không ý thức được cơ hội và thách thức khi hội nhập để đầu tư nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, nhất là về ngoại ngữ thì sẽ khó “mơ” việc cạnh tranh với các nước khu vực.

“AEC là cơ hội lớn để tháo gỡ vấn đề thừa lao động ở Việt Nam. Ngoài ra, sự tăng cường cạnh tranh giữa các nước cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển năng lực của lao động trẻ, giúp thanh niên Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất lao động, kỹ năng cho người lao động, chúng ta cần hướng hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề theo hướng tiếp cận với nhu cầu thực tế của xã hội. Cũng cần nâng cao nhận thức tự học tập, rèn luyện của học sinh, người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm cho người lao động; đồng thời chú trọng đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt một ngoại ngữ” - ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, khẳng định.

Theo Nghiên cứu về tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đối với thị trường lao động Việt Nam của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2025, nhu cầu đối với lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình sẽ tăng 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23% và lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13%. Theo ông Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, số lao động đã được đào tạo nghề chỉ đạt 30%. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam chủ yếu vẫn là nông nghiệp, nên tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%. Hiện có khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Chất lượng nguồn nhân lực không cao, dẫn đến năng suất lao động thấp. Do vậy, chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Do đó, một trong những giải pháp căn cơ khác là cần đẩy mạnh các cơ sở đào tạo nghề và phát triển kỹ năng, tập trung vào đầu tư cải cách giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo baotintuc.vn