1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu

Theo các đại biểu, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp. Bởi như quy định hiện hành thì tuổi nghỉ hưu là sớm, trong khi sức lao động của người lao động vẫn còn, đời sống phát triển khiến tuổi thọ của người dân cũng tăng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, chiều 29/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Thảo luận ở tổ về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu cho ý kiến về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề nghỉ Tết âm lịch, bổ sung ngày nghỉ lễ hàng năm, điều chỉnh thời giờ làm việc trong ngày…

Liên quan đến việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đưa ra 02 phương án trình Quốc hội xem xét.

Nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu - 1

Trong đó, phương án 01 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 02 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 01, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).

Phương án 02 có lộ trình nhanh hơn phương án 1 là tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 01 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng tình với phương án của Chính phủ đưa ra, đại biểu Võ Trọng Việt (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp. Bởi như quy định hiện hành thì tuổi nghỉ hưu là sớm, trong khi sức lao động của người lao động vẫn còn, đời sống phát triển khiến tuổi thọ của người dân cũng tăng.

Bởi vậy, đại biểu đề nghị nên quy định theo phương án 01 của Chính phủ là tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. 

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đồng ý với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, bởi theo ông năng suất lao động của chúng ta còn thấp; tuổi thọ người Việt Nam ngày một tăng lên, trong khi thời gian nghỉ ngơi hưởng thụ tăng lên là lãng phí nguồn lực lao động, nhất là trong khi đất nước đang tiếp tục cần sáng tạo, lao động để phát triển.

Đặc biệt, đại biểu cũng cho rằng, chính sách với chế độ hưu trí còn rất thấp nên muốn cải thiện điều này thì phải tăng quỹ hưu trí lên, tăng tuổi nghỉ hưu để đóng góp cho quỹ hưu trí tăng lên, có cơ hội cải thiện mức sống của người nghỉ hưu, về lâu dài còn đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Bởi hiện nay, cả thể lực và trí tuệ của người Việt Nam ngày càng tốt lên. Rất nhiều người đã nghỉ hưu nhưng vẫn lao động và đóng góp tích cực cho xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu Đào Tú Hoa cũng đề xuất, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của quy định này với một số Luật quy định hiện hành. Chẳng hạn, Nghị định 141 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học quy định tuổi nghỉ hưu kéo dài không quá 5 năm đối với tiến sĩ, không quá 7 năm với phó giáo sư và không quá 10 năm với giáo sư.

Giữ quy định nghỉ bù dịp Tết âm lịch

Cho ý kiến về quy định nghỉ bù dịp Tết âm lịch, đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội là giữ như hiện hành là người lao động được nghỉ Tết âm lịch 5 ngày và trường hợp ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ Tết âm lịch thì người lao động được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp.

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (đoàn Bắc Giang) cho biết, nên giữ nguyên phương án ngày nghỉ Tết âm lịch như hiện nay vì thấy rất ổn, không có khó khăn gì và được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng, quy định về ngày lễ, tết của người dân tộc thiểu số chưa có trong dự thảo Luật. "Chúng ta có quy định về ngày lễ, tết đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Vậy, không có cớ gì không có quy định về ngày lễ, tết dành cho người dân tộc thiểu số của Việt Nam. Ban soạn thảo cần bổ sung quy định này đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số tại các địa phương", đại biểu đề nghị.

Về việc có nên thêm ngày nghỉ nữa trong năm như Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hoặc Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, nhiều đại biểu không đồng tình. Theo đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), mặc dù đa số người lao động đều mong muốn có ngày nghỉ ngơi nhưng phải xem xét trên khía cạnh đất nước ta vẫn đang trong giai đoạn kiến thiết, phát triển và chưa đạt đến mức phát triển rồi cần tăng thời gian nghỉ. Chính vì vậy nên tiết giảm thời gian nghỉ ngơi.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Theo Bích Liên/Báo điện tử Đảng Cộng sản VN