1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhật Bản đạt kỷ lục số phụ nữ đi làm

Tính đến tháng 6/2019, số phụ nữ Nhật Bản đi làm đã tăng 530.000 người so với năm trước và đạt con số 30 triệu.

Phụ nữ đi làm, thậm chí giữ những vị trí chủ chốt trong các cơ quan công sở là chuyện bình thường ở Việt Nam chúng ta và nhiều quốc gia. Nhưng tại Nhật Bản thì lại khác.

Nhiều người đã phải từ bỏ sự nghiệp sau khi lấy chồng để chuyên tâm vào phục vụ gia đình. Nhưng đó là trước kia, còn nay, tình trạng thiếu hụt lao động do dân số già đã mở ra cơ hội cho nhiều phụ nữ tại đất nước này.

Lần đầu tiên, số phụ nữ Nhật Bản đi làm đạt con số 30 triệu người. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng được cải thiện. Thống kê mới nhất của chính phủ Nhật Bản cho biết con số của tháng 6 là 2,3%, tiếp tục giảm so với mức 2,4% trong tháng trước.

Nhật Bản đạt kỷ lục số phụ nữ đi làm - 1

Ảnh minh họa

Đây là mức thấp nhất trong vòng 26 năm qua. Điều này cũng góp phần giúp phụ nữ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với thị trường việc làm.

Con số hơn 30 triệu phụ nữ tham gia thị trường lao động mang ý nghĩa lịch sử và là kết quả của một quá trình gia tăng đều đặn kể từ năm 2011, minh chứng cho thấy chính sách Abenomic đã phát huy hiệu quả.

Trong 5 năm qua, sự gia nhập của nữ giới vào thị trường lao động đã bù đắp và vượt xa sự sụt giảm số lượng lao động nam giới, qua đó tạo thành trụ đỡ giúp nền kinh tế Nhật Bản không phải chịu cú sốc thiếu nhân lực.

Trước đây, cứ 10 người phụ nữ trong độ tuổi 15 đến 64 thì chỉ có 6 người đi làm, ngày nay, tỷ lệ này là trên 70%, cho thấy thị trường lao động của phụ nữ đã phát triển mạnh và ổn định.

Trong khi số lượng phụ nữ gia nhập thị trường lao động đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, chỉ có gần 13% phụ nữ được thăng tiến lên các vị trí quản lý, tỷ lệ này thậm chí còn giảm xuống chỉ còn 3% cho các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp.

Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số các nước phát triển, cho thấy Nhật Bản vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng thị trường lao động và tạo môi trường thuận lợi hơn cho phụ nữ.

Để giải phóng việc nhà cho phụ nữ, một trong những biện pháp của chính sách Abenomics là xây thêm nhiều trường mẫu giáo để tiếp nhận thêm trẻ em dưới 6 tuổi.

Hiện nay, Nhật Bản vẫn chưa đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ không được đi mẫu giáo xuống bằng 0 nhưng lọat trường mẫu giáo mới xây dựng đã giúp tăng số trẻ em được trông giữ, qua đó, tạo điều kiện cho phụ nữ được đi làm.

Ngoài ra, thông qua các hội doanh nghiệp và nghiệp đoàn, chính phủ Nhật Bản cũng thúc đẩy các công ty Nhật Bản tiếp nhận nhiều phụ nữ hơn trước, tạo điều kiện cho phụ nữ được quay lại làm việc sau khi nghỉ thai sản, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ kết hợp đi làm và nuôi con. Tất cả những chính sách này đã cải thiện đáng kể môi trường làm việc cho phụ nữ, tăng số lượng phụ nữ gia nhập thị trường lao động.

Khuyến khích phụ nữ đi làm chỉ là một trong số nhiều biện pháp của chính phủ Nhật Bản để giải quyết tình trạng thiếu lực lượng lao động.

Tuy nhiên, dù có khuyến khích phụ nữ đi làm hay tăng độ tuổi nghỉ hưu cũng chỉ được coi là những giải pháp tình thế, quan trọng vẫn là phải khuyến khích tăng tỷ lệ sinh để giải bài toán thiếu lực lượng lao động do già hóa dân số.

Theo VTV.VN