1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhận lương từ 15-30 triệu đồng/tháng nhờ tiếp cận công nghệ đào tạo của Úc

(Dân trí) - “Hơn 210 em làm việc trong các công ty liên doanh với nước ngoài hoặc 100 % vốn nước ngoài tại Việt Nam, 204 em làm việc trong các các doanh nghiệp trong nước. Mức lương của các em dao động từ 15 đến 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, 19 sinh viên tự khởi nghiệp, lập doanh nghiệp...”.

Học nghề chuẩn của Úc, lương tháng khởi điểm từ 15-30 triệu đồng

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin tại Hội nghị tổng kết chương trình đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp quốc tế theo chương trình chuyển giao của Úc. Chương trình do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức sáng 14/1 tại Hà Nội.

Chương trình được triển khai đào tạo cho 724 sinh viên thuộc 25 trường cao đẳng.

Đánh giá sau khi kết thúc chương trình, ông Vũ Xuân Hùng cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện, 25 trường tham gia đào tạo thí điểm đã tiếp cận và làm chủ được công nghệ đào tạo nghề tiên tiến của Úc. 

“Công nghệ này không chỉ áp dụng cho các khóa tiếp theo trong các chương trình chuyên giao từ Úc mà có thể nghiên cứu, vận dụng trong tổ chức triển khai đào tạo cho toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp” - ông Vũ Xuân Hùng cho biết.

Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, ngay sau khi tốt nghiệp, từ tháng 11/2019 đến nay, đã có 477/724 sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó có 40 em đã đi làm việc hoặc đang hoàn thiện các thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Kết quả đào tạo, tính đến tháng 12/2019, toàn bộ 41 lớp của 12 nghề đào tạo thí điểm đã hoàn thành chương trình đào tạo với tổng số 724 sinh viên tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100 %, trong đó tỷ lệ khá giỏi chiếm 90 %, được cấp bằng cao đẳng của Học viện Chisholm và bằng cao đẳng của Việt Nam.

Đồng thời, 214 em làm việc trong các công ty liên doanh với nước ngoài hoặc 100 % vốn nước ngoài tại Việt Nam; 204 em làm việc trong các Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp khác của Việt Nam.

Ngoài đi làm cho doanh nghiệp, nhiều sinh viên đã tự tin với lựa chọn riêng.

Ông Vũ Xuân Hùng cho biết: “19 sinh viên tự khởi nghiệp bằng các công việc như mở công ty riêng về các nghề kỹ thuật, dịch vụ hoặc lập trang trại ứng dụng công nghệ, mở nhà hàng hoặc dịch vụ homestay đối với các nghề về du lịch, nhà hàng, công nghệ sinh học...”.

Bên cạnh đó, 83/724 sinh viên có nhu cầu tiếp tục học nâng cao trình độ, trong đó có 30 em chờ đi học liên thông lên đại học ở trong nước, 53 em đã hoặc đang làm thủ tục để ra nước ngoài tiếp tục học (tại các quốc gia như Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…).

Với vị trí việc làm tốt nên thu nhập cũng khá cao, dao động từ 15 đến 30 triệu đồng/tháng đối với các vị trí việc làm ở doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực du lịch (quản trị nhà hàng, hướng dẫn du lịch); cơ điện tử, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm). 

"Kết quả trên thể hiện sự đúng đắn của việc chuyển giao các chương trình đào tạo từ nước ngoài , định hình nên một mô hình đào tạo mới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay của giáo dục nghề nghiệp" - ông Vũ Xuân Hùng cho biết.

Tận dụng lao động phục vụ thị trường lao động trong nước

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đánh giá cao công tác triển khai của chương trình. Đặc biệt là kết quả “đầu ra” khả quan, nhiều sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm đúng ngành nghề đào tạo.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quân lưu ý các khoá đào tạo tiếp theo cần chú trọng nâng cao chất lượng và gắn kết doanh nghiệp hơn nữa, đồng thời cần chú trọng tạo việc làm cho sinh viên theo học ngay tại thị trường lao động trong nước, qua đó phát triển kinh tế và năng suất lao động.

Hoàng Mạnh