1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhà giáo nâng bước cho học sinh khuyết tật

Nhà giáo Nguyễn Duy Quy đã dành trọn đời để dạy dỗ, gieo niềm hy vọng cho bao thế hệ học trò không may mắn. Với ông, đó là duyên nghiệp.

Thầy Nguyễn Duy Quy với chiếc gậy dò đường thông minh dành cho người khiếm thị. Ảnh: VGP/Minh Trang
Thầy Nguyễn Duy Quy với chiếc gậy dò đường thông minh dành cho người khiếm thị. Ảnh: VGP/Minh Trang

Đến thăm ngôi trường chuyên biệt mang tên “Tương Lai” của TP. Đà Nẵng, trong căn phòng nhỏ của thầy Hiệu trưởng, chốc chốc các em học sinh lại chạy đến tíu tít khoe: “Thầy Quy ơi, hôm nay con làm được hai bó hương”. Thầy cười, khen: “Giỏi quá, cố gắng con nhé”. Rồi em thì khoe bữa nay viết hết bài chính tả, có em lại mách bị bạn giành đồ chơi…

Những tiếng nói trong trẻo ấy làm cho bầu không khí căn phòng ấm áp…

Gây dựng lòng tự tin cho học trò

Các em học sinh Trường Tương Lai đã gắn bó với thầy Nguyễn Duy Quy như những đứa con ruột thịt. Với thầy, cả cuộc đời là quãng thời gian cống hiến cho việc dạy dỗ những đứa trẻ khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống.

Trước kia, thầy Nguyễn Duy Quy là giáo viên dạy Toán tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Những ngày đầu trong môi trường mới, với lòng nhiệt thành của một thầy giáo trẻ, ngoài những tiết dạy trên lớp, ban đêm thầy miệt mài học chữ nổi để có thể truyền thụ kiến thức cho các em một cách nhanh và hiệu quả nhất.

“Càng dạy, gần gũi các em, tình cảm thầy trò ngày càng gắn bó, nhiều người có hỏi sao không ra trường ngoài dạy có thu nhập cao hơn, nhưng tôi nghĩ nếu vậy là có lỗi với các em. Cứ thế, việc dạy học cho các em học sinh chuyên biệt gắn bó với mình”, thầy Quy tâm sự.

Do có nhiều năm trong nghề, thầy Quy được cử làm Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai, ngôi trường có 200 em học sinh mắc các chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị…

Quản lý hơn 200 học sinh khuyết tật, thầy trăn trở với nỗi lo hướng nghiệp cho các em với những câu hỏi ra trường các em làm nghề gì phù hợp? Có nơi nào đào tạo nghề cho đối tượng học sinh khuyết tật bài bản không?…

Để tìm câu trả lời, thầy Quy bỏ công tìm hiểu, tham khảo ở các hợp tác xã rồi mở lớp dạy các em làm hương.

Năm 2015, thầy kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ 2 máy làm hương. Chỉ mới hơn 1 năm, đã có 20 em học sinh làm nghề thành thạo. Khách hàng của các em chủ yếu là phụ huynh, thầy cô mua ủng hộ, tiền lãi được góp vào quỹ để dành cho những chuyến dã ngoại thực tế.

Cô Trương Thị Ngọc Hà, Chủ nhiệm Lớp C7 chia sẻ, với ý tưởng của thầy Hiệu trưởng, ngoài hàng chục em đã biết làm nghề hương, một số em còn được học nghề trang điểm (sơn sửa móng tay), gội đầu. Điều này đã khiến cha mẹ các em rất mừng vì con em mình có thêm kỹ năng để tự kiếm sống nhưng quan trọng hơn là sự tự tin của các em.

Món quà đặc biệt cho học sinh khiếm thị

Những ngày còn dạy ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, thầy Quy kiêm luôn việc dạy Toán, Lý, Hoá.

Thầy cho biết dạy Hoá, Toán..., khi giảng về các công thức phân tử hữu cơ, hình tam giác, tứ giác, đường trung tuyến… để các em học sinh khiếm thị hình dung được những khái niệm ấy là vô cùng khó. Vì thế, thầy rất trăn trở để tìm cách làm cho các em hiểu bài.

Muốn tiết học thực sự hiệu quả, nhất là hình học, theo thầy Quy, không còn cách nào khác là phải tự làm đồ dùng dạy học trong điều kiện đồ dùng dạy học cho học sinh khiếm thị rất khan hiếm.

Thời gian đầu, với những tiết dạy có hình ảnh để minh họa, thầy Quy vẽ hình trên các bìa cứng bằng lưới hoặc bảng braille nên vừa mất thời gian mà cũng chỉ dùng được một lần. Vì vậy, thầy cố gắng làm nhiều đồ dùng dạy học như hình tam giác đa năng, tứ giác đa năng, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học nhằm giúp các em dễ nắm bắt kiến thức.

Sau nhiều tháng tìm tòi, thầy Quy đã tìm được cách.

Xuất phát từ đặc thù của học sinh khiếm thị là tất cả các mô hình phải cố định, dù là một cách tương đối, để tạo cho các em thói quen tiếp nhận (qua việc sờ tay vào mô hình). Một lần, trong lúc sửa amply, thầy phát hiện ra loại vật liệu có thể dùng cho việc cố định mô hình hình học là nam châm. Thế là thầy tìm đến những cửa hàng sửa loa, amply mua nam châm làm thiết bị dạy học. Từ đó, tấm bảng từ dạy học các môn tự nhiên cho học sinh khiếm thị do thầy Quy sáng chế ra đời.

Với tính hiệu quả của bảng từ, các thầy cô động viên thầy đem đi dự hội thi đồ dùng dạy học cho học sinh khuyết tật và sáng kiến của thầy giành giải Nhất toàn quốc.

Từ sản phẩm đầu tay, thầy lại tiếp tục tìm tòi thiết kế dụng cụ vẽ hình và tập hình vẽ Toán 9 cho học sinh khiếm thị; bảng lưới từ vẽ hình học môn Toán cho học sinh khiếm thị. Tấm bảng bày được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Một sáng kiến nổi bật nữa của thầy Quy là gậy dẫn đường thông minh dành cho người khiếm thị.

Khi thấy các em khiếm thị qua đường nhờ vào một cây gậy nên không an toàn, thầy đã thiết kế thêm mạch điện, gắn đèn led vào gậy để làm cho những người đi đường khác chú ý để giúp các em hoặc nhường đường.

Ngoài việc sử dụng cho học sinh trong trường, thầy còn tặng chiếc gậy dẫn đường thông minh cho Hội người mù TP. Đà Nẵng. Một số đơn vị từ TPHCM đã liên hệ đặt mua 200 chiếc để sử dụng cho học sinh khiếm thị.

Đóng góp thiết thực của nhà giáo Nguyễn Duy Quy đã được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã 4 lần tặng Bằng Lao động sáng tạo…

Nhân dịp TP. Đà Nẵng chuẩn bị kỷ niệm 20 năm là Thành phố trực thuộc Trung ương, thầy Nguyễn Duy Quy được đề cử xét chọn là 1 trong trong 20 công dân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp lớn cho Thành phố.

Theo Minh Trang/Chinhphu.vn