1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhà giáo không an cư, giáo dục có lạc nghiệp?

Dạy học vốn là nghề của những người âm thầm, chịu thương chịu khó, không quen với phong ba, cạnh tranh khốc liệt thương trường. Hãy giảm áp lực quan hệ thị trường để họ bình tâm đầu tư cho nghề nghiệp.

Mấy ngày nay ngành giáo dục xôn xao thông tin bỏ biên chế giáo dục . Từ sân trường ra quán cà phê đến các phương tiện truyền thông, kẻ đồng tình, người phản đối.

Có lẽ không khó nhận ra 2 lực lượng này.

Thành phần đồng tình phần lớn là các nhà quản lí, lãnh đạo, những người nghiêng về lí luận. Họ muốn thay đổi, muốn có cạnh tranh, chọn lọc, đào thải theo qui luật thị trường, muốn tạo động lực cho sự phát triển.

Dạy học vốn là nghề của những người âm thầm, chịu thương chịu khó, không quen với phong ba, cạnh tranh khốc liệt thương trường (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)
Dạy học vốn là nghề của những người âm thầm, chịu thương chịu khó, không quen với phong ba, cạnh tranh khốc liệt thương trường (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Lực lượng phản đối lại là số đông, là những nhà giáo trực tiếp giảng dạy ở các cơ sở giáo dục. Họ cảm thấy bấp bênh nghề nghiệp, lo lắng sự ổn định cuộc sống.

Hãy thử hình dung điều gì xảy ra khi chuyện bỏ biên chế giáo dục chính thức thực thi (phạm vi đề cập chỉ ở bậc phổ thông).

Hiệu trưởng có là người tự chủ?

Còn nhớ ngày 15/4/2009, liên Bộ GD-ĐT - Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 07 "Hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo". Năm học 2009 - 2010, một số tỉnh giao quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng cấp THPT.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, năm sau nhiều hiệu trưởng xin trả lại quyền này cho Sở GD-ĐT. Thầy hiệu trưởng trường A. tâm sự: Trường chỉ tuyển 1 biên chế giáo viên Văn nhưng lại có 2 sếp gửi. Cô hiệu trưởng trường B. than thở: Trường tuyển 2 giáo viên lại có đến 4 sếp trực tiếp gọi điện...

Hiệu trưởng có là ông trời con?

Lại nhớ năm học 2014 - 2015, trường THPT C. có ông hiệu trưởng mới lên, làm việc hết công suất, chưa đầy 1 năm đã tiết kiệm được kha khá tiền giảm béo, đã sụt đi trên dưới chục cân. Vậy mà vẫn không thuyết phục được giáo viên, cỗ máy cứ ì ạch. Mặc dầu ông đã rất cố gắng, áp dụng nhiều biện pháp, ông vẫn mang mặc cảm cấp dưới coi thường. Đã có lúc bi quan, ông muốn xin trở lại làm "dân vạn đại".

Năm học 2015 - 2016, có chủ trương giảm biên chế, trường đang thừa giáo viên vì số lớp học sinh giảm xuống. Thời cơ đến. "Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày", đố đứa nào dám hó hé, ông chỉ lên kế hoạch, phân công, nhàn nhã chỉ đạo từ xa, có mặt ở trường cũng được, vắng mặt chẳng hề chi, thậm chí thứ bảy, ngày của riêng mình, "đố ai còn dám nói năng nửa lời".

Hội đồng sư phạm liệu sư phạm có còn?

Cũng từ năm học 2015 - 2016, từ khi có thông tin tinh giảm biên chế hay điều chuyển giáo viên thì đề tài này trở thành thời thượng trong các trường học. Không khí trong trường vì thế cũng nặng nề, căng thẳng hơn. Đồng nghiệp nghi kị, đề phòng lẫn nhau. Họ sống cảnh giác, đôi khi tìm những sơ xuất, những khiếm khuyết của đồng nghiệp làm "bảo bối" cho mình phòng thân.

Đầu năm học, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xếp loại theo vị thứ 1,2,3... Người đứng ở vị trí cuối trở nên "ăn không ngon, ngủ không yên". Tổ Ngữ văn 10 người, thừa 1. Buổi xếp loại trở nên giống như buổi đấu tố.

Giải pháp nào cho chuyện bỏ biên chế giáo dục và các vấn nạn trên?

Thiết nghĩ chỉ cần rà soát, bổ sung Luật Viên chức năm 2010 và thực thi hiệu quả.

Xin đề xuất 2 điều:

Thứ nhất, hiện nay trong nhà trường phổ thông, hiệu trưởng là công chức do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.

Đề nghị điều chỉnh thành viên chức trong trường học, bao gồm cả hiệu trưởng.

Hiệu trưởng kí hợp đồng làm việc có thời hạn trước tập thể giáo viên và cơ quan quản lí trực tiếp, trong đó có điều khoản tập thể giáo viên có quyền cắt hợp đồng hiệu trưởng.

Thứ hai, về hợp đồng làm việc theo Luật Viên chức hiện hành có 2 loại: hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (Điều 25). Đề nghị điều chỉnh chỉ còn loại hợp đồng có thời hạn.

Dạy học vốn là nghề của những người âm thầm, chịu thương chịu khó, không quen với phong ba, cạnh tranh khốc liệt thương trường. Hãy giảm áp lực quan hệ thị trường để họ bình tâm đầu tư cho nghề nghiệp.

Nhà giáo mà dao động, không an cư thì giáo dục làm sao lạc nghiệp. Vậy nên, cần nghiên cứu kĩ lưỡng, cẩn thận những thay đổi liên quan đến nhà giáo.

Theo nhà giáo ưu tú Trương Như Đệ/vietnamnet.vn