1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người trẻ lười và những hệ lụy

Công nghệ ngày càng len lỏi vào trong cuộc sống của mỗi người. Từ Youtube, Facebook, Zalo, Skype, Viber cho đến Smartphone đã “kéo” nhiều người ra khỏi đời sống thực hoặc phải tốn rất nhiều thời gian cho những mạng xã hội này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với học sinh – sinh viên và những người trẻ nói chung thì công nghệ đã “kéo” họ rời xa trường lớp, giảng đường, bài học và họ dường như lười hơn khi chỉ “ôm” những thiết bị thông minh cả ngày lẫn đêm.

Trong công việc giảng dạy, tôi đã từng nghĩ rằng sinh viên những năm sau sẽ năng động hơn, nhạy bén hơn và tích cực phản biện nhiều hơn. Nhưng thực tế thì điều tôi đã nghĩ là không đúng. Nhiều sinh viên và người trẻ bây giờ rất lười. Họ đang ỷ lại vào gia đình, xã hội và nghĩ rằng qua những thiết bị công nghệ, họ có thể dễ dàng biết, thậm chí biết “tất tần tật” mọi thứ trên thế giới này. Tuy nhiên, nếu không có nền tảng từ học vấn, không có thái độ tốt thì đôi khi việc biết ấy là “nửa vời” và gây thêm nhiều tai hại.

Tôi thường nói với sinh viên rằng, nếu học chưa tốt thì vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục học cho tốt và nếu làm chưa tốt thì làm nhiều sẽ có kinh nghiệm, kỹ năng để tốt lên. Nhưng, khi đã lười thì thật sự “nguy hiểm”.

Lười suy nghĩ, lười vận động sẽ kéo theo việc không làm gì cả, hoặc “học cho xong”, “làm cho có” và lúc đó hậu quả sẽ đến chứ không phải những kết quả như mong muốn. Và rồi sinh viên, người trẻ vẫn cứ lười trong việc học tập, nghiên cứu, hoạt động xã hội. Khi đã lười thì đúng là “hết thuốc chữa”.

Không biết những con số thống kê về số lượng người tốt nghiệp cao học, đại học đã chính xác chưa hay đó cũng mới chỉ là những con số “bề nổi”. Tuy vậy, tôi đồ rằng trong số những người thất nghiệp ấy, có những người “thiếu đủ thứ” và rất lười trong thời gian học tập, thực tập, làm việc.

Nhiều bạn trẻ than do giáo dục chán nên không muốn học, đổ lỗi cho rất nhiều yếu tố khác mà quên đổ lỗi cho chính bản thân. Có khi nào ta tự hỏi vì sao bạn bè học cùng trường, cùng lớp, cùng thầy cô mà chưa ra trường đã có công ty mời gọi, học trung bình nhưng ngoại ngữ thành thạo.

Xã hội Việt Nam đang thay đổi, đất nước phát triển và mọi việc đều có tính cạnh tranh cao. Khi đã cạnh tranh thì người chủ luôn cần có những người giỏi và xuất sắc để giải quyết các vấn đề. Không ai lại đi tuyển một người lười vào làm việc. Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ học xong vẫn tiếp tục nhận “trợ cấp” từ gia đình và tiếp tục trượt dài, không lối thoát.

Thất nghiệp, không làm được việc, thiếu quá nhiều kỹ năng là điều thấy rất rõ nhất vì người trẻ đã không quan tâm đến những gì được dạy, những gì cần học và kể cả “bỏ mặc cho số phận”.

Công tác trong ngành giáo dục, tôi cũng cảm thấy lo lắng vì rất khó khăn trong việc góp sức làm thay đổi suy nghĩ, hành động của người trẻ, để họ giảm độ lười, làm việc với trách nhiệm cũng như sống tử tế. Tôi nghĩ rằng, khi không “tự thân vận động” thì những hệ lụy, khó khăn mà họ gặp phải cũng là lẽ đương nhiên mà thôi.

Theo Nguyễn Quốc Vỹ/Báo Lao động