1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người tham gia BHYT giảm vì phải mua theo hộ gia đình?

(Dân trí) - Trên cơ sở thực tiễn quá trình tổ chức, thực hiện Luật BHYT sửa đổi và kết quả kiểm tra, giám sát của 7 Đoàn Liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật tại 13 tỉnh, thành phố, cho thấy việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới giảm số người tham gia BHYT trong thời gian qua.

Theo ý kiến của Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, sau 5 tháng triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, chính sách BHYT theo hộ gia đình vẫn còn những bất cập, nhất là về thủ tục hành chính phức tạp, nhiều thủ tục như: Người dân phải chứng minh sự tham gia BHYT của từng thành viên gia đình bằng việc photocopy các giấy tờ BHYT của người đã tham gia; Hoặc phải có xác nhận tạm vắng đối với người có hộ khẩu hoặc từng đăng ký tạm trú tại thành phố nhưng chuyển đi nơi khác làm việc, sinh sống... Đây là 1 trong những nguyên nhân chủ yếu khiến số người tham gia BHYT giảm mạnh thời gian qua.

BHXH Việt Nam đã tạm hoãn việc thực hiện mua thẻ BHYT theo hộ gia đình đến ngày 1/1/2016 (trong thời gian này, người dân có nhu cầu vẫn có thể mua BHYT theo cá nhân như trước đây). Vậy, việc tạm dừng thực hiện BHYT theo hộ gia đình có trái với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 không? Giải pháp gì đề khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên?

Bộ Y tế trả lời nội dung chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy như sau:

Không phải là “tạm dừng” thực hiện BHYT theo hộ gia đình

Kết quả sau 5 tháng triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cho thấy chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống, đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia triển khai Luật; các Bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút người dân tham gia BHYT.

Về cơ bản, các hoạt động BHYT đã dần đi vào nề nếp, quỹ BHYT đã cân đối được thu chi và có kết dư.

Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện Luật BHYT trong thời gian qua còn có một số bất cập, khó khăn, đặc biệt là triển khai phương thức BHYT theo hộ gia đình. Để giải quyết những bất cập, khó khăn này, sau khi xin ý kiến thống nhất của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã có văn bản số 777/BHXH-BT ngày 12/3/2015 hướng dẫn một số nội dung về thu BHYT, trong đó hướng dẫn cụ thể nội dung về “Tham gia BHYT theo hộ gia đình”.

Theo hướng dẫn này thì việc tham gia BHYT theo hộ gia đình vẫn đang tiếp tục được thực hiện trên toàn quốc; riêng đối với một số người hiện nay do một số nguyên nhân chưa tham gia BHYT theo hộ gia đình thì tạm thời vẫn thực hiện hình thức tham gia BHYT như cũ, nhưng sẽ dần được chuyển sang thực hiện BHYT theo hộ gia đình, để đảm bảo rằng từ ngày 1/1/2016 trở đi, tất cả những người có tên trong hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của tất cả các hộ gia đình đều thực hiện BHYT theo hộ gia đình.

Như vậy, không phải là “tạm dừng” thực hiện BHYT theo hộ gia đình; việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình vẫn đang được thực hiện, nhưng đối với một số đối tượng sẽ có sự linh hoạt trong việc thực hiện để có thời gian dần chuyển sang hình thức BHYT theo hộ gia đình.

Trên cơ sở thực tiễn quá trình tổ chức, thực hiện Luật và kết quả kiểm tra, giám sát của 7 Đoàn Liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật tại 13 tỉnh, thành phố, cho thấy việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới giảm số người tham gia BHYT trong thời gian qua.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 31/3/2015, số đối tượng tham gia BHYT là 63.157.544 người, tăng khoảng 2,3 triệu người (tương đương với 3,8%) so với cùng kỳ quý I/2014. Tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2014, số đối tượng tham gia BHYT giảm 1,4 triệu người, chủ yếu ở 2 nhóm, đó là Nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT (người nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội…), và Nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT (người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên…).

Nguyên nhân là do hằng năm các tỉnh phấn đấu giảm 2% người thuộc hộ cận nghèo, do đó số người thuộc hộ cận nghèo giảm; nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho hộ gia đình cận nghèo, do đó đối với một số hộ gia đình cận nghèo, phải đóng 30% mức đóng BHYT vẫn còn cao; đa số các tỉnh, thành phố chưa xác định và lập danh sách hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015 theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg  ngày 27/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, do đó, cơ quan BHXH chưa có căn cứ bán thẻ BHYT cho các đối tượng này.

Ngoài ra, số tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến, theo thống kê có đến 49% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Nhiều doanh nghiệp giải thể, một số doanh nghiệp cuối năm khi tăng tiến độ sản xuất thì sử dụng lao động nhiều, đến đầu năm 2015 khi vào mùa tết, lễ hội thì cắt giảm lao động do chưa có nhu cầu sản xuất kinh doanh nên hạn chế trong việc phát triển đối tượng.

Thực tế, số liệu tổng hợp cho thấy nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình không giảm mà tăng 227 nghìn thẻ, tương đương 3%. Mặc dù vẫn có một số tỉnh tỷ lệ người tham gia BHYT theo hộ gia đình giảm trên 10% như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…

Các giải pháp khắc phục trong thời gian tới

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục những hạn chế trong thực hiện BHYT, đặc biệt là nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, hoàn thành mục tiêu bao phủ 75% dân số có BHYT trong năm 2015 theo Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội, Bộ Y tế đã triển khai một số giải pháp như sau:

- Giao chỉ tiêu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT cho các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ  BHYT giai đoạn 2015 – 2020, bao gồm số đối tượng và tỷ lệ bao phủ theo dân số cụ thể cho mỗi tỉnh, thành phố và coi đây là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với một số nhóm đối tượng. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.

- Nghiên cứu đề xuất phương thức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, hộ gia đình mới thoát nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo hướng vừa được hỗ trợ mức đóng vừa được giảm mức đóng khi toàn bộ thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT.

- UBND các tỉnh, thành phố: Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Đẩy nhanh việc xác định và lập danh sách hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015 theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để cơ quan BHXH có căn cứ bán thẻ BHYT cho các đối tượng này.

Đối với người lao động trong các doanh nghiệp: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT tại các doanh nghiệp để tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHYT tại các doanh nghiệp.

Đối với nhóm học sinh, sinh viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển BHYT tại mỗi cơ sở giáo dục đào tạo, đề xuất nâng mức cho vay ưu đãi và thực hiện các giải pháp mở rộng BHYT đối với học sinh, sinh viên, phấn đấu trong năm 2015 đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

Đối với người sinh sống tại xã đảo, huyện đảo: Giao các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng và ban hành danh sách các xã đảo, huyện đảo để có cơ sở lập danh sách mua thẻ BHYT cho cư dân sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo theo quy định của Luật BHYT.

Đối với nhóm tham gia theo hộ gia đình: BHXH Việt Nam hướng dẫn theo hướng, khi hộ gia đình tham gia BHYT chỉ thực hiện kê khai theo biểu mẫu quy định ( Mẫu 01-HGĐ ban hành kèm theo Công văn 777/BHXH-BT) và chịu trách nhiệm về việc kê khai đó, không phải chứng minh hồ sơ liên quan, căn cứ việc kê khai, BHXH các cấp thực hiện thu và cấp thẻ BHYT cho người tham gia, sau đó thực hiện hậu kiểm; Tuyên truyền để người dân hiểu về các quy định khi tham gia BHYT theo hộ gia đình; Hướng dẫn, tập huấn cho đại lý thu về việc xác định, lập danh sách, thu tiền và trả thẻ BHYT cho đối tượng này.

Đối với lực lượng quân đội, công an: Đề nghị Bộ Quốc phòng, khẩn trương trình Chính phủ Nghị định quy định tham gia BHYT của đối tượng này, để nhóm này kịp thời tham gia BHYT trong năm 2015.

Cải cách thủ tục hành chính trong việc tham gia BHYT

Bộ Y tế đã đề nghị BHXH Việt Nam: Hướng dẫn cụ thể việc kê khai, lập danh sách, thu BHYT theo hướng đơn giản thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình, vừa đảm bảo sự thống nhất trong triển khai, tránh làm phát sinh những thủ tục phiền hà, vừa tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT.

Không bắt buộc người tham gia BHYT theo hộ gia đình phải trình cơ quan quản lý các loại giấy tờ để chứng minh về đặc điểm nhân thân đối tượng, về sự tham gia BHYT của thành viên hộ gia đình (như photocopy thẻ BHYT của thành viên hộ gia đình đã tham gia BHYT; không phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy xác nhận ly hôn hoặc các giấy tờ khác thuộc về trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã). Nghiên cứu mở rộng các hình thức tổ chức đại lý thu BHYT theo hướng cá nhân, cơ quan nào dễ tiếp cận với người dân nhất đều có thể làm đại lý thu BHYT (ví dụ: Trạm y tế xã/phường, phòng khám bác sỹ gia đình, bưu điện).

Đối với UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị: Hướng dẫn UBND các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các quy định về việc khai báo tạm trú, tạm vắng theo quy định của pháp luật; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT; xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu trong quản lý BHYT.

Tăng cường tập huấn, truyền thông về BHYT. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, cụ thể: Tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích, cách thức, các thủ tục khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị; Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân; Chỉ thị số 05....

 Theo Chinhphu.vn