1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Trả sổ BHXH cho người lao động - Kỳ 2:

“Người lao động quản lý sổ sẽ hạn chế tình trạng trốn, chậm đóng BHXH”

(Dân trí) - Làm sao thúc đẩy nhanh việc bàn giao sổ BHXH, qua đó giám sát tốt hơn nữa việc thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội, đây là mối quan tâm chung của dư luận xã hội. Để tìm hiểu thêm vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.


Cả nước có hơn 12 triệu chủ sổ BHXH.

Cả nước có hơn 12 triệu chủ sổ BHXH.

Thưa ông, Luật BHXH 2014 quy định từ ngày 1/1/2016 người lao động sẽ được tự quản lý sổ BHXH của mình. Tuy nhiên tới thời điểm này, theo tìm hiểu của phóng viên, việc triển khai bàn giao số BHXH vẫn chưa được nhiều. Ông có ý kiến gì về điều này?

Tôi thấy rằng, Luật bảo hiểm xã hội bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Việc người lao động được tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội đã nêu rất cụ thể trong Luật bảo hiểm xã hội (khoản 2 Điều 18, khoản 3 Điều 19) và cũng không giao lại cho Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn nội dung này. Điều này có nghĩa là việc thực hiện quy định này phải bắt đầu thực hiện ngay từ khi luật có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, vì đây là quy định mới do vậy khi triển khai thực hiện BHXH VN cần phải có kế hoạch triển khai cụ thể, kịp thời hướng dẫn về nghiệp vụ cho cơ quản BHXH các cấp phối hợp với chủ sử dụng lao động rà soát, thống nhất các công việc cần thực hiện trước khi tiến hành bàn giao sổ BHXH cho người lao động.

Đồng thời cũng cần đảm bảo quá trình giao nhận có sự tham gia, ký biên bản bàn giao sổ giữa BHXH, doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo chặt chẽ và ràng buộc trách nhiệm của các bên.

Qua giám sát cho thấy, cả chủ sử dụng lao động và người lao động về cơ bản chưa sẵn sàng, tôi cho rằng cơ quan BHXH cần tích cực vào cuộc hơn nữa để đẩy nhanh quá trình triển khai bàn giao sổ BHXH, qua đó bảo vệ quyền lợi người lao động.

Là một trong số các chuyên gia đã có nhiều góp ý khi xây dựng Luật BHXH năm 2014, ông có thể nói điều gì về tác dụng của quy định: Người lao động được giữ sổ BHXH?

Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định quyền của người lao động được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội, đồng thời cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động định kỳ 6 tháng phải niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động và niêm yết công khai thông tin đóng BHXH do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp hàng năm.

Quy định này nhằm để hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, trước đây nếu doanh nghiệp đã thu tiền của người lao động nhưng không đóng cho người lao động thì họ cũng không biết.

Việc quy định chuyển sổ BHXH cho người lao động giữ là cơ hội để người lao động có thể kiểm soát được doanh nghiệp có đóng BHXH cho mình hay không, đây là quan hệ giữa người lao động và cơ quan BHXH.

Điều này sẽ giảm thiểu rất nhiều thủ tục hành chính cho người lao động và doanh nghiệp.

Nếu thực hiện được quy định trên, chúng ta sẽ đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động, đồng thời giúp cơ quan BHXH có thể kiểm soát, phát hiện sớm được tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng quỹ BHXH khi có các phản ánh, kiến nghị trực tiếp từ phía người lao động.

Thưa ông, với quy định bàn giao sổ BHXH cho người lao động, Luật BHXH năm 2014 đã tạo sự thay đổi lớn trong triển khai chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên còn không ít băn khoăn về việc làm sao quản lý hiệu quả việc cấp 12 triệu sổ BHXH trong toàn quốc?

Trong thời gian tới, việc quản lý số người tham gia BHXH sẽ ngày càng tăng, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội thì việc giám sát và quản lý việc cấp sổ BHXH sẽ rất khó khăn nếu như không có việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý BHXH.

Chỉ riêng với hơn 12 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay, việc quản lý đã là rất khó khăn.

Tình trạng người người lao động có nhiều sổ BHXH hoặc việc người lao động khai báo mất, thất lạc sổ BHXH và xin đề nghị cấp lại cũng đang có những khó khăn nhất định cho ngành BHXH.

Bởi hiện nay, hệ thống cơ sở giữ liệu về BHXH của ngành đang hoàn thiện việc liên thông trong phạm vi cả nước nên việc đối chiếu, gộp sổ hay tra cứu, cấp lại sổ để tránh việc bị lạm dụng khi hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội gây thiệt hại cho Quỹ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, cũng vì lý do này mà thời hạn giải quyết thường kéo dài gây phiền hà cho người lao động.

Tôi được biết, ngành bảo hiểm xã hội đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu thống nhất từ trung ương đến địa phương, chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý bảo hiểm xã hội.

Hy vọng thời gian tới, với những nỗ lực của ngành BHXH, công tác triển khai bàn giao sổ BHXH sẽ có kết quả tốt.

“Người lao động cần có ý thức trách nhiệm hơn về việc theo dõi, cũng như phản ánh kịp thời những sai phạm của doanh nghiệp trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho mình và phải quản lý sổ BHXH tốt hơn để bảo đảm giải quyết chính sách kịp thời, chính xác” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện