1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bạc Liêu:

Người lao động còn đắn đo đi xuất khẩu lao động ở Malaysia và Đài Loan

(Dân trí) - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, cho biết, qua ghi nhận, người lao động trên địa bàn còn đắn đo trong việc đăng ký tham gia đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại 2 thị trường Malaysia và Đài Loan.

Chi phí cao, lương thấp, người lao động còn đắn đo đi xuất khẩu lao động tại một số thị trường ở Châu Á. (Ảnh minh họa)
Chi phí cao, lương thấp, người lao động còn đắn đo đi xuất khẩu lao động tại một số thị trường ở Châu Á. (Ảnh minh họa)

Bà Trần Hồng Chiến- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu - cho biết, hiện nay, thị trường XKLĐ tập trung chủ yếu tại 3 thị trường là Nhật Bản, Malaysia và Đài Loan.

Về tiêu chí người lao động tham gia XKLĐ thì thị trường Nhật Bản cao hơn so với thị trường của Malaysia và Đài Loan.

Theo bà Chiến, hiện thị trường Nhật Bản có 2 chương trình, một chương trình do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện (gọi là chương trình 1) và một chương trình do các doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cho phép thực hiện (gọi là chương trình 2).

Theo đó, với chương trình 1, tiêu chuẩn độ tuổi người lao động từ 19- 28 tuổi, có sức khỏe tốt, không có tiền án, tiền sự, không xâm mình, không bị viêm gan siêu vi B, có trình độ tốt nghiệp THPT. Chương trình này chỉ tuyển lao động nam. “Sau sơ tuyển, lao động được tuyển sẽ được đưa ra Hà Nội học tiếng Nhật khoảng 6 tháng. Sau đó, nếu phỏng vấn đậu thì sẽ đưa ra thị trường Nhật Bản”, bà Chiến thông tin.

Trong đó, kinh phí để chi từ thời gian phỏng vấn, học tiếng Nhật, cho đến vé máy bay,… đều do chương trình đài thọ. Riêng tài liệu học và ăn ở thì người lao động tự lo. Sau thời gian hợp đồng trong 3 năm trở về nước, nếu không vi phạm gì thì chương trình sẽ đài thọ 200.000/yên/1 năm.

Theo bà Chiến, năm 2016, Trung ương giao cho tỉnh Bạc Liêu chỉ tiêu 50 lao động đi làm việc ở thị trường Nhật Bản. Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh đang làm các văn bản thông báo để lao động có nhu cầu đi XKLĐ tại Nhật biết đăng ký tham gia.

Với chương trình 2, thông qua các doanh nghiệp cung cứng XKLĐ do Bộ LĐ-TB&XH cấp phép, điều kiện giống như chương trình 1. Nhưng độ tuổi cao hơn từ 19- 30 tuổi và tuyển cả nam và nữ. Tùy ngành nghề, mỗi lao động đóng chi phí từ 80- 120 triệu đồng và người lao động tự lo.

Theo bà Chiến, với các chương trình XKLĐ tại Nhật Bản, người lao động rất khó tham gia vì đa phần là hộ nghèo, không có khả năng đóng chi phí trên. “Một số ngân hàng cho vay nhưng cũng chỉ khoảng vài chục phần trăm, số tiền còn lại người lao động phải đóng là không nhỏ, nên không điều kiện để tham gia xuất khẩu lao động, ảnh hưởng ít nhiều đến công tác giảm nghèo của địa phương”, bà Chiến nói.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, với thị trường Malaysia và Đài Loan, các tiêu chí cũng giống như của Nhật Bản. Chi phí đi XKLĐ ở Malaysia thì từ 26- 28 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện mức lương ở thị trường Malaysia rất thấp, chỉ khoảng 8 triệu đồng trở lại.

Còn thị trường Đài Loan chi phí đóng đi XKLĐ từ 80- 120 triệu đồng, lương bình quân từ 15- 16 triệu đồng/tháng.

“Chỗ 2 thị trường Malaysia và Đài Loan, lao động tham gia ít do chi phí cao, nhất là ở Đài Loan và lương thấp. Người lao động đang đắn đo tham gia đăng ký xuất khẩu lao động tại 2 thị trường này”, bà Chiến nói.

Huỳnh Hải