1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người lao động có thể kiện chủ sử dụng nếu quyền lợi bảo hiểm xã hội bị xâm phạm

(Dân trí) - "Người lao động khi bị xâm phạm quyền lợi bảo hiểm xã hội có thể gửi đơn kiện chủ sử dụng lao động đến cơ quan tố tụng hoặc thanh tra của cơ quan bảo hiểm xã hội để xem xét, mà không cần qua công đoàn..." - ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết.

Sáng nay (16/8), tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (Hà Nội), đã diễn ra Hội nghị công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Người lao động có thể kiện chủ sử dụng nếu quyền lợi bảo hiểm xã hội bị xâm phạm - 1

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - cho biết: "Bộ Luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh là tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội gian lận bảo hiểm y tế; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động".

Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn có nhiều quy định mang tính định tính, chung chung và cách hiểu khác nhau. Cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Người lao động có thể kiện chủ sử dụng nếu quyền lợi bảo hiểm xã hội bị xâm phạm - 2

Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

"Thực hiện trách nhiệm của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thống nhất áp dụng bộ luật. Ngay từ khi có những điều luật mới này, chúng tôi đã cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, các ban ngành của Quốc hội bắt tay vào xây dựng nghị quyết để hướng dẫn thực hiện 3 điều luật này" - ông Tuệ thông tin.

Phát biểu tại hội nghị trên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Việc Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh liên quan đến bảo hiểm nói trên đã tạo cơ sở pháp lý để xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm, góp phần đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn về công tác phòng chống trong lĩnh vực về bảo hiểm.

Người lao động có thể kiện chủ sử dụng nếu quyền lợi bảo hiểm xã hội bị xâm phạm - 3

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội nghị.

"Tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn có nhiều quy định chưa mang tính thực tiễn cao dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và cần phải hướng dẫn để đảm bảo áp dụng một cách thống nhất về mặt pháp luật. Tôi đánh giá rất cao về những nội dung của Nghị quyết này mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng" - ông Lợi đánh giá.

Nói về khó khăn trong công tác quản lý quỹ bảo hiểm, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - cho biết: Vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm như tình trạng chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao độn.

"Tính đến ngày hôm nay (16/8), số người tham gia Bảo hiểm xã hội là 14,8 triệu người (trên 30% người lao động tham gia BHXH), đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 12,7 triệu người (chiếm 26,2% người lao động tham gia), Bảo hiểm y tế là trên 84,7 triệu người (chiếm 89,3% )" - ông Đào Việt Ánh cho biết.

Ngoài ra, tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế diễn ra ở nhiều địa phương.

Trước tình trạng đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa ra các biện pháp, từ tuyên truyền phổ biến, đến thanh tra kiểm tra nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm được tình trạng này. 

"Thực tế, chúng tôi cũng chuyển khá nhiều hồ sơ vụ việc liên quan đến trốn đóng bảo hiểm các loại đến các cơ quan chức năng để xử lý" - ông Ánh nói.

Cũng theo ông Ánh, mặc dù trong quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam rất sát sao, thực hiện hiện nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý, nhưng tình hình nợ đọng bảo hiểm vẫn ở mức cao, tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Cuối tháng 7/2019, số nợ bảo hiểm các loại là trên 6.000 tỷ đồng. Số đơn vị vi phạm lên tới hàng chục nghìn, tác động đến hàng trăm nghìn lao động.

Người lao động có thể kiện chủ sử dụng nếu quyền lợi bảo hiểm xã hội bị xâm phạm - 4

Ông Đào Việt Ánh - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ông Ánh đánh giá, trước sự việc này, việc Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hội nghị ngày hôm nay là hết sức cần thiết.

"Đây là những tội danh mới lần đầu tiên được quy định trong luật hình sự; đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế rất lớn; phù hợp thực tiễn, tháo gỡ được vướng mắc trong việc triển khai bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong thời gian qua" - ông Ánh cho biết.

Trao đổi với phóng viên Dân trí sau khi kết thúc hội nghị trên, ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định lại: Bộ luật này là biện pháp răn đe, nó không còn cơ chế chiếm dụng rồi kiện dân sự và xử lý hành chính nữa. Nếu doanh nghiệp xâm phạm đến quyền lợi của người lao động thì sẽ bị xem xét, truy tố về hình sự, đây là biện pháp chế tài cứng rắn nhất trong các quy định của pháp luật.

Khi Nghị quyết này được ban hành, cơ chế xử lý từ cơ quan thanh tra của bảo hiểm, đến các cơ quan điều tra truy tố xét xử sẽ thuận lợi.

Từ nhận định trên, vị Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tin tưởng các doanh nghiệp sẽ không dám chiếm dụng nghĩa vụ đóng góp bảo hiểm, quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo hơn.

"Chúng tôi hướng dẫn khá cụ thể, đây là hành lang để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Do đó, trước hết họ phải căn cứ vào Nghị quyết này để xem xét các hành vi nào là hành vi phạm tội để xử lý theo đúng quy định của pháp luật và hành vi nào chưa đến mức phải xử lý hình sự thì xử lý hành chính. Nội dung này trong điều 5 của Nghị quyết nói rất rõ" - ông Tuệ chia sẻ.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nói thêm: Người lao động trong doanh nghiệp thường là người yếu thế và gặp bất lợi khi kiện chủ lao động của mình. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước mơi sinh ra cơ chế bảo vệ người lao động bằng tổ chức công đoàn.

Thực hiện theo cơ chế dân sự, tổ chức công đoàn muốn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa thì phải được sự ủy quyền của người lao động. Điều này gặp rất nhiều khó khăn.

"Chính vì thế mà Quốc hội quy định 3 Điều luật về bảo hiểm xã hội nói trên trong Luật hình sự là hết sức cần thiết và quan trọng vì nó đảm bảo được quyền lợi của người lao động ở mức tốt nhất. Theo đó, người lao động thấy quyền lợi mà bị xâm phạm thì có thể gửi đơn khiếu kiện chủ sử dụng lao động đến cơ quan tố tụng hoặc thanh tra của cơ quan bảo hiểm xã hội để xem xét, mà không cần qua công đoàn" - ông Tuệ nói.

Nguyễn Dương