1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vụ ngừng việc tại Cty CP Dệt mùa đông (Hà Nội):

Người lao động bị quên đóng bảo hiểm xã hội

Nhiều lao động của Cty cổ phần Dệt Mùa Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh, thời gian trước đây, họ vào làm việc tại Cty nhưng phải nhiều năm sau mới được Cty đóng BHXH.

Trụ sở Cty cổ phần Dệt Mùa Đông tại đường Nguyễn Tuân (Hà Nội). Ảnh: QUẾ CH
Trụ sở Cty cổ phần Dệt Mùa Đông tại đường Nguyễn Tuân (Hà Nội). Ảnh: QUẾ CH

Làm việc nhiều năm mới được đóng bảo hiểm

Chị N.K.Đ (CN Cty cổ phần Dệt Mùa Đông) cho biết, chị vào làm việc tại Cty từ năm 2001, nhưng đến năm 2005 chị mới được Cty cho tham gia đóng bảo hiểm. Như vậy, chị làm việc tại Cty 15 năm, nhưng mới chỉ được 10 năm tham gia bảo hiểm, mất 5 năm mà đáng ra chị được hưởng.

“Có một số trường hợp phải đến 7 năm sau khi ký hợp đồng mới được tham gia bảo hiểm bắt buộc, còn đại đa số rơi vào 2 năm” - chị Đ cho hay. Khi được hỏi về nội dung cụ thể của hợp đồng, chị Đ cho biết, sau khi ký xong, Cty thu lại hợp đồng và không giao lại cho chị một bản theo như quy định.

Một CN khác tên N.T.H cũng cho biết, chị bắt đầu ký HĐLĐ không xác định thời hạn với Cty vào năm 2000. Nhưng phải đến năm 2005, chị mới được tham gia đóng BHXH. Cũng như chị Đ, chị K cho biết mình không được Cty giao cho một bản HĐLĐ.

Trong đơn khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng, người lao động phản ánh, Cty không đóng BHXH nhiều năm cho CN có HĐLĐ, người ít 3 năm, có người 7 năm không được đóng BHXH. Vẫn theo đơn, số CN này rất đông, lên đến khoảng 70 lao động.

Một số CN cho biết, những trường hợp bị “lơ” đóng bảo hiểm thường là CN bắt đầu ký HĐLĐ với Cty khoảng những năm từ 1998 đến 2000. CN cho biết, hằng năm, CN vẫn đòi hỏi Cty đóng bảo hiểm cho CN, nhưng Cty cứ khất lần, khất lữa.

Ai chịu trách nhiệm?

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Kim Phương - Chủ tịch HĐQT Cty Dệt Mùa Đông - cho biết, thực trạng này xảy ra khi Cty còn đang là Cty nhà nước. Cụ thể, theo bà Phương, tại thời điểm đó, do NLĐ không có biên chế, nên không được hưởng bảo hiểm, nhưng NLĐ vẫn tha thiết được làm việc tại Cty.

Bà Trần Kim Phương cho rằng, toàn bộ việc này là của Ban giám đốc cũ, còn bà mới tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ở nhiệm kỳ này. “Tất cả những vấn đề tồn tại cũ tôi đang khắc phục và giải quyết”.

Nói về hướng giải quyết, bà Phương cho biết, tất cả những trường hợp không được đóng BHXH trong nhiều năm sẽ phải làm đơn riêng rẽ đề nghị Cty giải quyết, vì mỗi lao động có quãng thời gian không được đóng BHXH khác nhau; đồng thời, khi có đơn, sẽ giải quyết theo hướng tính thời gian làm việc là từ khi họ bắt đầu làm việc tại nhà máy, chứ không tính riêng từ thời gian có bảo hiểm (để giải quyết các chế độ khi Cty tiến hành di dời - PV). “Đây chỉ là cứu vãn tình thế, là xử lý tình huống chứ không phải trách nhiệm của tôi” - bà Phương nói.

Theo hướng của bà Phương, đây chỉ là cứu vãn tình thế bởi CN được tăng thời gian làm việc tại Cty để tính mức hỗ trợ cho họ khi di dời Cty.

Tuy nhiên, quyền lợi của người lao động về BHXH trong nhiều năm bị Cty “lơ”, nhất là thiệt thòi khi sau này nếu hết tuổi LĐ nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng hưu trí vẫn chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Điều 23, Bộ luật LĐ quy định, HĐLĐ phải có nội dung về BHXH và BHYT. Khoản 1, Điều 186 quy định NSDLĐ, NLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về BHYT.

Điều 2 Luật BHXH quy định NLĐ tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm: Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên; NSDLĐ tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân... Điều 14 Luật BHXH nghiêm cấm hành vi không đóng BHXH.

Theo Báo Lao động