1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người Dao Ba Vì với nghề làm thuốc Nam

Nghề bốc thuốc chữa bệnh từ lâu đã gắn bó với cuộc sống mưu sinh của người Dao xã Ba Vì, huyện Ba Vì.


Người Dao tự mình lên núi tìm các vị thuốc.

Người Dao tự mình lên núi tìm các vị thuốc.

Qua những bài thuốc bí truyền của dân tộc mình, người Dao đã tích lũy kinh nghiệm để bốc thuốc, chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân khắp vùng gần xa.

Giữ gìn một nghề quý của dân tộc

Ba Vì là một xã miền núi nằm trên triền núi thuộc huyện Ba Vì với dân số chiếm 98% là người đồng bào dân tộc Dao. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, người Dao nơi đây đã xóa dần cuộc sống du canh, du cư để ổn định và phát triển kinh tế. Thế nhưng, người Dao Ba Vì không tách khỏi một nghề truyền thống của cha ông là làm thuốc chữa bệnh.

Họ làm thuốc chữa bệnh với mục đích trước hết để tự chữa bệnh cho người trong dân tộc mình, sau đó là chữa cho mọi người. Điều không thể phủ nhận là người Dao Ba Vì có được khả năng này là nhờ vào sự kế thừa tri thức cổ truyền của dân tộc, cũng như kế thừa kinh nghiệm gia truyền của chính dòng tộc, gia đình.

Để tìm được những vị thuốc quý hiếm ẩn mình trên núi cao đại ngàn, người Dao buộc phải khổ công lặn lội trong rừng sâu, núi thẳm để tìm kiếm. Nghề thuốc muốn duy trì và phát triển được thì không chỉ dừng lại ở việc sử dụng dược liệu để bốc thuốc, mà còn bắt đầu từ công việc tìm kiếm cây thuốc, chế biến, bắt bệnh và bốc thuốc.

Vì vậy, đòi hỏi người Dao phải khổ công tìm tòi, tỉ mỉ ở từng công đoạn. Việc tìm được cây thuốc sẽ quyết định được một phần thành công của mỗi lương y, lương y nào có khả năng tìm kiếm được nguồn dược liệu tốt thì người đó sẽ có điều kiện chữa bệnh tốt hơn. Khi tiến hành sơ chế thì các lương y lại phải cẩn thận ở từng khâu, từng giai đoạn.

Dược liệu sau khi được thu hái về sẽ được băm chặt thành những kích cỡ khác nhau sao cho phù hợp với mục đích sử dụng. Sau đó, dược liệu sẽ được rửa sạch và phơi khô nhưng vẫn hoàn toàn đảm bảo được công dụng. Sau công đoạn này, thuốc sẽ được lưu giữ đóng gói một cách cẩn thận.

Lương y Triệu Thị Dung, thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì chia sẻ: “Các bài thuốc Nam này tôi được bố mẹ truyền lại. Nguồn dược liệu là các loại cây mọc tự nhiên trên rừng xanh. Bản thân tôi cứ tiếp tục trồng và thu hái, cái nào cần sao thì sao, cái nào cần phơi khô thì phơi khô tự nhiên chứ không cần ngâm, tẩm bất kỳ chất bảo quản nào”.

Theo kinh ngiệm được tích lũy từ đời này qua đời khác của người Dao, thuốc được sử dụng theo cách thông thường là “sắc thuốc” để uống và “tắm thuốc”. Ngày nay, với việc không ngừng học hỏi và cải tiến các phương thuốc bí truyền của dân tộc, người Dao xã Ba Vì đã tự nghiên cứu kết hợp hơn 100 cây thuốc để chế ra một số loại cao chữa được nhiều bệnh khác nhau. Hiện đã có nhiều bài thuốc hữu hiệu được chế biến cho thuận tiện khi sử dụng nhưng vẫn giữ được công dụng của chúng.

Với kinh nghiệm lâu năm, lương y Triệu Thị Thanh được mệnh danh là “Thầy thuốc của dân bản” chia sẻ: “Để nấu được một nồi cao phải kết hợp được trên 100 loại thuốc. Hôm nay, mình đi kiếm được vài loại, mình cho vào nấu trước, ngày mai vớt ra lại bỏ loại khác vào. Cứ nấu như thế đến khi đủ khoảng 100 vị thuốc là được. Mỗi loại cao có thể chữa được nhiều loại bệnh khác nhau như thiếu máu, gan, dạ dày, phong tê thấp khớp và được coi như một vị thuốc bổ”.

Nghề thuốc trở thành kế sinh nhai

Trước kia, người Dao Ba Vì có phong tục bốc thuốc cứu người không lấy tiền, ai khỏi bệnh thì đến nhà thầy thuốc tạ ơn tổ tiên bằng sản phẩm nông nghiệp. Với họ, việc chữa bệnh phải lấy cái tâm làm gốc. Chính từ cách ứng xử như vậy mà các thầy thuốc ở đây đã thực sự trở thành những người được kính trọng không chỉ bởi kinh nghiệm trong việc chữa bệnh, mà còn ở hành động mang tính cộng đồng sâu sắc.


Lương y Triệu Thị Hòa đang khám cho người bệnh

Lương y Triệu Thị Hòa đang khám cho người bệnh

Với khát khao mang những bài thuốc quý của mình đi khắp mọi nơi để cứu người bệnh nên dấu chân của người Dao Ba Vì in khắp mọi nơi từ Cao Bằng đến Hưng Yên, Hòa Bình, từ Hải Phòng đến Nam Định, rồi vào tới những nơi xa hơn như TP Hồ Chí Minh để chào hàng… Giờ đây, khi danh tiếng thuốc Nam của người dân tộc Dao Ba Vì đã lan xa, nghề thuốc đã được nhiều người biết đến và tin tưởng.

Các lương y người dân tộc Dao Ba Vì ngoài việc vừa bán thuốc tại nhà, còn cung cấp dược liệu cho các nhà thuốc Đông y và trực tiếp chẩn đoán, điều trị bệnh cho nhiều người. Từ đó, nghề thuốc dần dần đã trở thành một kế sinh nhai. Cuộc sống của người Dao Ba Vì cũng trở lên ổn định và khấm khá hơn. Đã có những gia đình nhờ nguồn thu từ bán thuốc gia truyền đã xây được nhà, mua sắm được trang thiết bị gia dụng. Cũng nhờ đó, số hộ nghèo của xã Ba Vì đã được giảm đáng kể.

Với cách “nhìn xa trông rộng” của những người có cuộc sống gắn bó với rừng sâu núi thẳm, người Dao Ba Vì nhận thấy tình trạng thu hái thuốc tự nhiên như vậy nếu không trồng bổ sung thì cây thuốc sẽ dần dần cạn kiệt. Cũng có nghĩa là nghề làm thuốc chữa bệnh truyền thống sẽ có nguy cơ bị mai một và thất truyền.

Ý thức được điều đó nên mỗi ông lang, bà mế người Dao Ba Vì hàng ngày ngoài việc đi thu hái cây thuốc trong tự nhiên còn chủ động xây dựng vườn thuốc và trồng thuốc để có nguồn dược liệu phục vụ cho việc duy trì và phát triển nghề. Với sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan chức năng địa phương, hiện tại xã Ba Vì đã quy hoạch 5ha đất rừng để chuyên trồng và chế biến thuốc Nam. Thôn Yên Sơn của xã đã được công nhận là “Làng nghề thuốc Nam”. Cộng đồng người Dao Ba Vì đã tham gia tích cực vào những hoạt động tập huấn, nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, điều trăn trở nhất và cũng là nguyện vọng chính đáng của chính quyền cũng như đồng bào nơi đây là làm sao có thể duy trì bảo tồn được giống cây thuốc Nam mà không phải nhập từ bên ngoài vào phục vụ cho việc chữa bệnh của người dân.

Ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì chia sẻ: “Để duy trì, phát triển và bảo tồn cây thuốc Nam, chính quyền địa phương đã chỉ đạo phát triển việc bảo tồn cây thuốc Nam đến với mỗi gia đình. Trong đó, phát động phong trào toàn dân tham gia trồng cây dược liệu. Hiện tại, xã đã triển khai được 5ha, được bà con Nhân dân nhiệt tình ủng hộ, nhất là các hội viên của Hội Đông y trồng và chăm sóc cây thuốc Nam. Song song với đó, chính quyền địa phương cũng đã đề nghị TP lập đề án hỗ trợ sản xuất, trồng và chăm sóc cây thuốc Nam để giúp bà con có thể ổn định hơn với nghề”.

Tự chữa bệnh và chữa bệnh giúp người cũng như quảng bá rộng rãi bài thuốc bí truyền của dân tộc để mọi người có thể biết đến công dụng của thuốc Nam là hướng đi đúng của các lương y dân tộc Dao Ba Vì. Qua đó, các lương y xã Ba Vì đã ngày càng trở thành những thầy thuốc tin cậy của nhiều người bệnh xa gần. Với những bài thuốc đơn giản, hiệu quả mang nét đặc trưng của dân tộc, người Dao xã Ba Vì đã góp phần trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo Báo Kinh tế đô thị