1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngày 5/4 - Giao lưu trên Báo Dân trí: Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng

Chiến dịch Thanh tra Lao động năm 2016 vừa được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ VN, VCCI và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) khởi động tại 63 tỉnh, thành. Ban tổ chức sẽ thực hiện Buổi giao lưu trên Báo điện tử Dân trí vào sáng 5/4 nhằm cung cấp thêm thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người lao động liên quan.


Mỗi giờ có ít nhất 1 người bị tai nạn lao động trong ngành xây dựng.

Mỗi giờ có ít nhất 1 người bị tai nạn lao động trong ngành xây dựng.

Mỗi giờ có 1 nạn nhân bị TNĐL ngành xây dựng

Theo Bộ LĐ-TB-TB&XH, Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng năm 2016 sẽ hướng tới việc giám sát, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp, người lao động trong ngành hiểu thêm về giá trị của công tác thực hiện chính sách pháp luật lao động. Cơ quan thanh tra Bộ LĐ-TB&XH được xem là đơn vị chủ công thực hiện các nhiệm vụ của Chiến dịch.

Lý do chọn lĩnh vực xây dựng là trọng tâm của Chiến dịch thanh tra lao động năm 2016, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nói: “Năm 2015, ngành xây dựng đứng đầu danh sách các ngành về số vụ cũng như số người chết. Ngành này chiếm tới 38% tổng số nạn nhân bị mất đi sinh mạng khi đang làm việc và 35% tổng số tai nạn lao động chết người được báo cáo”.

Trong số 6 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nhiều thương vong nhất của năm 2015, đã có tới 4 vụ xảy ra tại các công trường xây dựng.

12 nội dung thanh tra bao gồm: Thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; xây dựng nội quy và đào tạo về an toàn vệ sinh lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân; tổ chức mặt bằng; sử dụng xe, máy, giàn giáo, giá đỡ, điện và thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bê tông; công tác hàn và công tác hoàn thiện.

Theo ILO, trong thực tế, nhiều vụ tai nạn lao động, thương tích và bệnh nghề nghiệp trong ngành này có thể đã không được báo cáo.

Các vụ tai nạn lao động ngành xây dựng xảy ra nhiều với tần suất dày đặc. Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh thanh tra Bộ LĐ-TBX&XH, cho biết: Năm 2015, ngành xây dựng có số vụ tai nạn lao động chết người nhiều nhất. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 7.000 người bị nạn trong năm 2015.

“Điều này tức là có hơn 500 người bị nạn theo người/tháng, hơn 130 người/tuần, 27 người/ngày và khoảng 3,4 người bị nạn/giờ (tính theo 8 giờ làm việc). Trong đó, ngành xây dựng chiếm 1/3, tức là tối thiểu 1 giờ có 1 người bị nạn” - ông Nguyễn Tiến Tùng nói.

“Tại mỗi tỉnh, chúng tôi sẽ lựa chọn tối thiểu 10 doanh nghiệp xây dựng có quy mô và số lao động làm việc lớn để thực hiện thanh tra” - ông Nguyễn Tiến Tùng.

Doanh nghiệp và người lao động đều hưởng lợi

Theo Ban tổ chức Chiến dịch, công tác thanh tra bắt đầu từ tháng 4-10/2016. Trong đó, việc thanh tra sẽ ưu tiên cho các công trình xây dựng, sau đó mới ở các công ty lĩnh vực xây dựng với 3 mục tiêu: Tăng cường tuân thủ pháp luật an toàn lao động trong ngành xây dựng. Cải thiện điều kiện làm việc. Giảm thiểu ngay tình trạng tai nạn trong xây dựng.

Đánh giá về lợi ích của Chiến dịch, đại diện nhiều bên đều cho rằng cả doanh nghiệp và người lao động đều được hưởng lợi. Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về công tác thực hiện chính sách pháp luật ngành xây dựng sẽ được nâng cao.

Lĩnh vực xây dựng là một trong những nguồn tạo ra nhiều việc làm tại Việt Nam. Theo ước tính của Chính phủ năm 2014, hơn 3,3 triệu người lao động kiếm sống từ ngành này.

Theo ông Chang-Hee Lee Giám đốc ILO Việt Nam, chiến dịch là một cơ hội để thanh tra lao động tại Việt Nam tăng cường vai trò tư vấn. Đồng thời, cơ quan thanh tra cùng hợp tác với đại diện của người sử dụng lao động và người lao động, nhằm đạt được sự tuân thủ pháp luật và điều kiện làm việc đảm bảo cho người lao động tại các công trường xây dựng.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Chí Dũng - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử sụng lao động (Phòng Thương mại và công nghiệp VN), nói: “VCCI nhiệt liệt hưởng ứng Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng năm 2016. Tuân thủ quy định lao động là điều kiện sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh VN đang tham gia mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới”.

Đại diện VCCI cũng cho rằng: Việc tuân thủ quy định lao động cũng là một phần của nền quản trị hiện đại, giúp nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng cao cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về phía Tổng LĐLĐ VN, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho biết: Ngành xây dựng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn lao động. Chiến dịch thanh tra sẽ giúp giảm thiểu những tai nạn lao động, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật lao động, cải thiện môi trường lao động cho người lao động. Đồng thời, thanh tra sẽ phát hiện những bất cập trong chính sách lao động, xây dựng môi trường làm việc hài hòa, bảo vệ quyền lợi người lao động.

SÁNG 5/4 - GIAO LƯU TRÊN BÁO ĐIỆN TỬ DÂN TRÍ VỀ "CHIẾN DỊCH THANH TRA LAO ĐỘNG CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG NĂM 2016".

Đúng 9h ngày 5/4 (thứ 3), Báo điện tử Dân trí sẽ tổ chức Buổi giao lưu cung cấp tới bạn đọc thông tin về Chiến dịch thanh tra lao động ngành xây dựng.

Khách mời tham dự Buổi giao lưu, gồm:

- Đại diện Thanh tra lao động (Bộ LĐ-TB&XH).

- Đại diện Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ VN.

- Đại diện Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN.

- Đại diện Tổ chức lao động Quốc tế (ILO).

Bạn đọc có thể gửi các câu hỏi quan tâm về Chiến dịch thanh tra, trong Buổi giao lưu, các khách mời sẽ thực hiện phần trả lời các câu hỏi đặt ra.

Câu hỏi quan tâm xin gửi về địa chỉ email: hoangmanh@dantri.com.vn

Lê Lai