1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngành du lịch thiếu lao động giỏi

Du lịch được xác định là lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lao động trong ngành này còn thiếu số lượng, yếu nghiệp vụ

TP HCM và các tỉnh phía Nam hiện chiếm hơn 50% tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch của cả nước. Tuy nhiên, hơn một nửa lao động tại đây chưa qua đào tạo đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ du lịch cũng như khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Vừa thiếu vừa yếu

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 7%/năm trong giai đoạn 2016-2020, số lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch khoảng 870.000 người, lao động gián tiếp khoảng 1,5 triệu người. Riêng vùng ĐBSCL, nhu cầu tuyển dụng lao động đến năm 2020 là khoảng 208.000 người. Như vậy, mỗi năm ngành du lịch cần tới 40.000 lao động nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch chỉ khoảng 15.000 người/năm. Không chỉ thiếu về mặt số lượng, lao động trong lĩnh vực du lịch của các tỉnh phía Nam hiện nay còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Lao động du lịch trong khối ASEAN dịch chuyển sẽ là thách thức đối với lao động trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam
Lao động du lịch trong khối ASEAN dịch chuyển sẽ là thách thức đối với lao động trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam

Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, thừa nhận trong thời gian qua, tỉnh đã tăng cường đào tạo bồi dưỡng lao động ngành du lịch nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay, trong đó thiếu nhất phải kể đến mảng lữ hành quốc tế.

Đồng tình với ý kiến này, bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Giám đốc Công ty CP Du lịch Ngọc Việt (quận 3, TP HCM), cho biết lao động trong ngành du lịch có nhiều hạn chế mà chủ yếu là chưa được đào tạo bài bản, trình độ ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp của những người làm du lịch còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

“Mảng lữ hành quốc tế hiện rất khó tuyển được hướng dẫn viên vì yêu cầu người lao động bắt buộc phải có trình độ ngoại ngữ và kỹ năng tốt. Vì thế, tình trạng “săn người” giỏi diễn ra khá gay gắt giữa các doanh nghiệp (DN) trong ngành du lịch” - bà Liên thông tin.

Liên kết để đào tạo hiệu quả

Mới đây, các nước trong khối ASEAN đã đạt được sự thống nhất triển khai đầy đủ các nội dung về chuẩn hóa 32 chức danh nghề, 52 văn bằng, chứng chỉ. Theo đó, có 6 ngành nghề trong lĩnh vực du lịch được công nhận khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN gồm: buồng, lễ tân, nhà hàng, chế biến món ăn, đại lý lữ hành và điều hành tour.

Như vậy, lao động du lịch trong khối ASEAN có thể dịch chuyển trong khối và điều này sẽ là thách thức với lao động trong lĩnh vực du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng. Từ đây, việc đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu hội nhập là vấn đề cấp thiết đối với các địa phương.

Để chuẩn bị cho vấn đề này, GS-TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đặt vấn đề là đào tạo phải gắn liền với thực tiễn, tức là các DN du lịch phải có trách nhiệm liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, hay nói cách khác là đào tạo theo nhu cầu của xã hội và DN. Do đó, việc liên kết giữa 3 nhà gồm nhà nước, nhà trường và nhà quản lý là điều cần thiết”.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cũng cho biết tỉnh đã có một số chính sách như tập trung đào tạo đội ngũ thuyết minh viên, lễ tân làm trong các nhà hàng, khách sạn do ngân sách tỉnh hỗ trợ miễn phí.

Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Tổng cục Du lịch và dự án EU - ESRT (Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) đã xây dựng 10 Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam, trong đó 2 bộ tiêu chuẩn nghề về quản lý khách sạn và vận hành cơ sở lưu trú đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận đạt chuẩn quốc gia. Các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch đã và đang đưa những bộ tiêu chuẩn này vào chương trình giảng dạy.

Bà Lương Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, nói: “Trong khung chương trình đào tạo, trường hiện kết hợp cả chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo và sắp tới là của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kết hợp với Bộ tiêu chuẩn nghề Việt Nam. Từ đó, giáo trình của trường sẽ cập nhật và được chia sẻ để sinh viên khi ra trường có việc làm và đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu của nghề”.

NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM: Hợp tác trong đào tạo

Sở Du lịch TP HCM không chỉ nhắm đến việc phát triển sản phẩm từ tour, tuyến mà còn quan tâm chất lượng phục vụ. Do đó, trong chương trình hợp tác của Sở Du lịch TP với các địa phương khác cũng có đào tạo nguồn nhân lực. Tiêu biểu như các địa phương thuộc ĐBSCL có sự hợp tác khá chặt chẽ với TP HCM trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo Báo Người lao động