Năm tuổi của một làng nghề

Gần nửa thế kỷ trôi qua, làng nghề heo đất ở Lái Thiêu, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương vẫn được duy trì. Nghề “nặn” heo đất vẫn bảo toàn cho đến ngày nay. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 được xem như tết của làng nghề heo đất nên các hộ dân theo nghề miệt mài với con heo bỏ ống. Những chú heo đất đủ màu sắc được tạo nên bởi sự đam mê nghệ thuật thổi hồn vào đất.

Tết của làng nghề

 Tết Kỷ Hợi đến gần, những lò gốm ở phường Lái Thiêu trở nên nhộn nhịp hơn lúc nào hết. Bởi vì, nơi đây được biết đến là “quê hương” của những con heo đất trong và ngoài nước.

Nghệ nhân nơi đây đón nhận tết Kỷ Hợi như cái tết của làng nghề heo đất. Theo đó, những con heo đất được ra đời vào dịp này có phần đặc biệt hơn khi được nghệ nhân khoác lên những chiếc “áo” đủ màu sắc rực rỡ.

Năm tuổi của một làng nghề - 1

Dù phải làm số lượng nhiều nhưng ông Bảy nói rằng cũng như các nghệ nhân khác ông không vì lợi nhuận mà làm ẩu. Ông Bảy chia sẻ: “Làm heo đất nếu nghệ nhân không làm bằng cái tâm thì sản phẩm tạo ra sẽ không đẹp. Biến một cục đất sét trở thành hình mẫu của con heo “biết nói”, người tạo nên nó phải có thông điệp rõ ràng. Để tạo ra một con heo đất không khó nhưng để heo đất trở thành “thú cưng” đặt trong nhà thì không dễ nên không làm theo kiểu rập khuôn được”.

“Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, tất cả các lò gốm nơi đây đều tăng số lượng. Riêng gia đình tôi cho ra lò trên 20.000 con heo đất cung cấp ra thị trường vào dịp này. Có nhiều đơn đặt hàng nhưng gia đình tôi không dám nhận vì sợ làm không kịp. Nếu tôi nhận nhiều làm không đẹp sẽ mất uy tín, điều mà nghệ nhân không muốn xảy ra”, ông Trần Văn Thư, nghệ nhân làm heo đất tại phường Lái Thiêu cho biết.

Theo ông Thư, để làm được heo gốm, những người thợ nhào đất sét với nước sau đó đổ đất này vào khuôn sứ nặng hàng chục cân. Sau khoảng 3 đến 4 giờ phơi nắng, thợ gốm sẽ mở khuôn, lấy sản phẩm linh vật cho vào lò nung ở nhiệt độ cao. Thời gian nung đủ để sản phẩm tốt nhất từ 10 đến 12 giờ. Sau khi heo đất ra lò, nghệ nhân sẽ sơn, vẽ, hoàn thiện các chi tiết còn lại để đóng gói xuất ra thị trường. 

Bà Lê Thị Kim Dung, chủ cơ sở làm gốm tại phường Lái Thiêu, cho biết, một sản phẩm thô có giá 20.000 đồng. Sau khi đánh bóng, làm đẹp, sản phẩm này được bán với giá từ 50.000-100.000 đồng/sản phẩm tùy từng loại. 

Duy trì nghề bằng tình yêu và nét đẹp truyền thống

 Theo lời của ông Nguyễn Sang, một cao niên làm nghề heo đất ở Lái Thiêu cho biết, làng heo đất ở Lái Thiêu trước đây rất nhiều hộ theo nghề. Tuy nhiên, gần đây nhiều hộ chuyển sang nghề khác bởi thu nhập bấp bênh không ổn định, cũng gì mục đích mưu sinh mà phải bỏ nghề ông bà để lại. “Hiện nay chỉ còn vài chục hộ duy trì nghề heo đất này phần lớn là phụ nữ, người già. Nghề cực lắm mà không kiếm được bao nhiêu, chỉ những năm Hợi mới có chút thu nhập vì nhu cầu tăng cao”, ông Sang nói.

Năm tuổi của một làng nghề - 2

 

Bà Trần Thị Sương cho biết thêm, “Từ lúc sinh ra đã ngửi mùi sơn, thấy những con heo từ khi mới ra lò mang trên thân mình màu đất sét cho đến những màu sắc xanh, đỏ, vàng, tím, những nét hoa văn khéo léo, dần dần cuốn lấy tôi. Thu nhập không cao nhưng tôi không thể bỏ nghề vì nó đã ăn vào xương máu của tôi gần 60 năm rồi”. 

Cũng giống như gia đình bà Sương, hộ của ông Nguyễn Văn Tâm cũng theo và giữ nghề heo đất 3 đời. “Những gia đình ở Lái Thiêu duy trì được nghề heo đất ở đây chủ yếu là do yêu nghề hoặc do truyền thống gia đình, mặc dù chúng tôi không xác định đây là nghề kiếm sống và làm giàu. Làm heo đất vì đam mê, xem sản phẩm mình tạo ra là bạn nên không thể bỏ nó được”, ông Tâm bày tỏ.

Chia sẻ về nghề heo đất, ông Tâm cho biết thêm: “Nghề này cực nhọc lắm, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nung heo đất không dễ, phải theo tay nữa, do áp suất cao trong khi heo đất bên trong ruột rỗng dễ nổ lắm rất nguy hiểm cho “bầy heo” đang nung”.

Năm tuổi của một làng nghề - 3

Khó khăn là vậy, nhưng đối với các hộ duy trì nghề sản xuất heo đất cho đến nay vẫn đam mê, gắn bó với nghề. 

Những ai lần đầu đặt chân đến đây sẽ đặc biệt ấn tượng với mùi sơn, màu sắc rực rỡ của heo đất. Nói là làng heo đất nhưng thực tế người dân không sản xuất duy nhất heo đất, họ còn làm thêm những con vật dễ thương như: vịt, cá vàng, doremon, thiên nga, bồ câu... Sản phẩm của làng nghề không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

“Làng heo đất Bình Dương được duy trì để trở thành nét văn hóa đặc biệt của quê hương. Heo đất Bình Dương dù mới chỉ được xuất qua Lào, Campuchia, Thái Lan nhưng đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy đã có sự hồi sinh của làng nghề. Để giữ nét đẹp truyền thống ông cha để lại, chúng tôi luôn động viên các hộ đổi mới cách làm để giữ nghề” - Bà Lê Thị Nghiệm, Chủ nhiệm CLB heo đất TX. Thuận An

Theo Hương Chi/Báo Tiền phong