1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nam Định: Săn "lộc biển" bé tin hin, bám ở đá, kiếm nửa triệu/ngày

Vào thời điểm này nhiều người dân ở huyện Hải Hậu (Nam Định) lại rủ nhau ra các bãi đá ven biển “săn” vẹm-loại nhuyễn thể được ví như lộc biển bé tin hin để bán. Nhờ việc săn bắt loại nhuyễn thể bé xíu này giúp người đi săn có thêm nguồn thu nhập trang trải để cuộc sống.

Vẹm thuộc loài nhuyễn thể, chúng bám khắp vào các tảng đá và thường sống trong lớp cát có rong biển dính trên bề mặt tảng đá. Vẹm hình bầu dục, khi lớn thì chúng có kích cỡ hơn ngón tay cái một chút và có màu xanh.

Khi thủy triều rút, tại những bãi đá chạy dọc ven biển thuộc nhiều xã của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Đinh lại trở nên nhộn nhịp hơn. Với hàng trăm người lớn lom khom đi “săn” vẹm (còn gọi là vẹm xanh). Hành trang họ mang theo rất đơn giản chỉ một chiếc liềm bẻ cong ở mũi và một cái rổ nhựa hoặc chiếc giỏ nhựa để đựng “chiến lợi phẩm”. 

nam dinh: san "loc bien" be tin hin, bam o da, kiem nua trieu/ngay hinh anh 1

Một người dân đang khai thác vẹm tại một bãi đá ven biển tại xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Theo người dân nơi đây cho hay, vẹm không phải lúc nào cũng có. Do vẹm xanh được sinh trưởng tự nhiên, cho nên một năm chỉ có khoảng 2-3 đợt. Mỗi đợt đi săn chỉ kéo dài 5 -7 ngày, tùy vào lượng đánh bắt của người dân.

Hiện tại giá vẹm đang được lái buôn thu mua ở huyện Hải Hậu khoảng trên dưới 2.000 đồng/kg, trung bình một người mỗi ngày có thể bắt được từ 200- 300kg vẹm. Tính ra, bà con có thể kiếm được từ 400.000 - 600.000đồng/ngày, cá biệt có những người bắt chuyên nghiệp, săn được cả nhiều sam có thể có thu nhập đến gần 1 triệu đồng/ngày.

nam dinh: san "loc bien" be tin hin, bam o da, kiem nua trieu/ngay hinh anh 2

Vẹm thuộc loài nhuyễn thể, chúng sống ở trong những đám rêu bám vào các tảng đá và được chủ yếu làm thức ăn cho tôm hùm.

Cũng theo những người đi bắt, một buổi “săn” vẹm thường không theo quy luật nhất định mà phải phụ thuộc vào thủy triều.Thông thường buổi săn vẹm bắt đầu từ 9 giờ sáng đến đến tận chiều tà. Công việc này không khó, chỉ cần kinh nghiệm và sự khéo léo. Bởi vậy, hành nghề “săn” vẹm chủ yếu là chị em phụ nữ, số ít nam giới và một vài trẻ em. 

Là một thợ săn bắt vẹm chuyên nghiệp, bà Vũ Thị Tuyết ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu cho biết, bắt vẹm có thu nhập tốt nhưng công việc rất cần sự kiên trì, đòi hỏi người làm phải chịu khó lặn lội mới bắt được nhiều vẹm.

nam dinh: san "loc bien" be tin hin, bam o da, kiem nua trieu/ngay hinh anh 3

Trung bình một người có thể bắt được từ 200-300kg vẹm/ ngày, vẹm có giá trên dưới 2.000 đồng/kg.

“Vẹm có nhiều ở lớp rong rêu bám trên đá, chúng được các hộ nuôi tôm hùm ở miền trung như Khánh Hòa, Phú Yên... mua về để làm thức ăn cho tôm nên bắt được bao nhiêu là có người ra tận bãi thu mua hết”, bà Tuyết chia sẻ.

Gắn bó nhiều năm với nghề săn vẹm, ông Hoàng Mạnh Đông ở xóm Năm Giang, xã Hải Đông cho hay, bắt vẹm xanh không khó nhưng lại rất vất vả, có những ngày trúng mánh kiếm được tiền triệu là triệu bình thường.

nam dinh: san "loc bien" be tin hin, bam o da, kiem nua trieu/ngay hinh anh 4

“May mà có cái nghề này mà có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và có tiền nuôi con cái ăn học tốt hơn”, ông Đông cho biết. 

Dọc bờ biển của huyện Hải Hậu được thiên nhiên ban tặng với nhiều loại nhiễm thể, tôm, cá khác nhau. Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây bắt đầu khai thác loài động biển giàu chất dinh dưỡng này, chỉ biết đây là nguồn thu nhập đáng kể của một bộ phận dân cư tự bao đời nay.

Theo Đinh Thuận/Danviet.vn