1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nam Định: Bỏ nghề mộc, chàng trai đổi đời nhờ nuôi ba ba gai

(Dân trí) - Vốn là một thợ mộc có tiếng nhưng anh Dũng đã bỏ nghề mộc, trở về quê nhà tại Nam Định khởi nghiệp nuôi ba ba gai. Không phụ công sức bỏ ra, mỗi năm gia đình anh thu lãi gần nửa tỷ đồng.

Về làng thôn Dương, xã Yên Dương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, hỏi anh Lê Hồng Dũng (SN 1978) nuôi ba ba là ai cũng biết. Anh Dũng là người đầu tiên nuôi ba ba gai ở xã này và đã có đến 20 năm kinh nghiệm.

Nam Định: Bỏ nghề mộc, chàng trai đổi đời nhờ nuôi ba ba gai - 1

Anh Dũng là người đầu tiên nuôi ba ba gai ở xã Yên Dương và đã có đến 20 năm kinh nghiệm.

Anh Dũng cho biết, trước khi khởi nghiệp với nghề nuôi ba ba gai, anh từng làm thợ mộc tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Thời gian làm việc tại đây đã giúp anh học hỏi kinh nghiệm và nung nấu ý định nuôi ba ba làm kinh tế.

Anh nói rằng ở đầu nguồn sông Mã có mô hình nuôi ba ba gai. Anh đã dành nhiều thời gian đến đây để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kĩ thuật chăn nuôi. Những gì học được anh đều ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay.

Năm 2004, anh quyết định ngừng làm công việc thợ mộc trở về Nam Định khởi nghiệp nuôi ba ba gai. Dù bấy giờ anh là một trong những tay thợ có tiếng ở vùng.

Ban đầu, anh nuôi 20 cặp ba ba gai bố mẹ và 150 con giống để tìm hiểu đặc tính thực tế của chúng. Tuy nhiên, ba ba giống phát triển chậm, ba ba bố mẹ sinh sản kém nên anh rất lo lắng.

Cũng may nhờ được các anh em trên Sơn La hướng dẫn tận tình. Anh thử thay đổi phương pháp, kỹ thuật nuôi, dần dần đàn ba ba đã cải thiện hơn.

Nam Định: Bỏ nghề mộc, chàng trai đổi đời nhờ nuôi ba ba gai - 2

Năm 2004, anh Dũng quyết định ngừng làm công việc thợ mộc trở về Nam Định khởi nghiệp nuôi ba ba gai. Dù bấy giờ anh là một trong những tay thợ có tiếng ở vùng.

Sau 5 năm, với những kinh nghiệm thực tế đã đúc kết, anh mở rộng quy mô với 8 ao nuôi, tổng diện tích rộng khoảng 2.500m2. Các ao nuôi ba ba được thiết kế phù hợp, bờ ao được xây ghép bằng gạch đỏ, rất chắc chắn. Ao lớn nhất có diện tích 500m2, ao nhỏ nhất có diện tích 200m2.

Nói về lý do chọn nuôi ba ba gai thay vì các loại ba ba khác, anh Dũng cho biết: “Hiện nay có rất nhiều giống ba ba như ba ba miền Nam, ba ba Nam Bộ (cua đinh), ba ba sông Hồng, ba ba Thái Lan… nhưng khí hậu, thời tiết của miền Bắc, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Hồng nuôi ba ba gai là phù hợp nhất.

Bởi vì, ba ba gai rất dễ thuần, trọng lượng lớn, nặng khoảng 30kg/con ba ba bố - mẹ, thậm chí có con nặng gần 50kg. Dễ nuôi, đề kháng tốt, ít dịch bệnh. Giá trị kinh tế lại cao, chất lượng thịt thơm, ngon, giá cả ít biến động”.

Nam Định: Bỏ nghề mộc, chàng trai đổi đời nhờ nuôi ba ba gai - 3

Sau 5 năm, với những kinh nghiệm thực tế đã đúc kết, anh mở rộng quy mô với 8 ao nuôi, tổng diện tích rộng khoảng 2.500m2.

Trung bình với 100 cặp ba ba bố mẹ, mỗi năm trang trại của anh Dũng bán ra thị trường trên 2.000 con giống với giá từ 150.000 - 200.000đ/con; khoảng 500kg ba ba thương phẩm với giá từ 450.000 - 500.000đ/kg và vài chục cặp bố mẹ với giá 600.000đ/kg. Trừ tất cả chi phí, gia đình anh Dũng thu lãi gần 500 triệu đồng/năm.

Thức ăn chủ yếu của ba ba gai là cá tươi hoặc thịt gà băm nhỏ, có thể trộn lẫn với bột ngô. Ngày cho ăn 1 - 2 lần. Nhưng có điểm khác biệt là chúng chỉ ăn nhiều vào mùa hè.

“Cứ đến khoảng đầu tháng 10 âm lịch, ba ba lại ngủ đông đến hết tháng 2 âm lịch, do vậy chi phí thức ăn cũng tiết kiệm được kha khá”, anh Dũng chia sẻ.

Nam Định: Bỏ nghề mộc, chàng trai đổi đời nhờ nuôi ba ba gai - 4

Sau khi ba ba đẻ trứng, toàn bộ số trứng sẽ thu gom để đưa vào thùng ấp, ấp với nhiệt độ khoảng 35°C.

Ba ba cái khi được 3 năm tuổi sẽ bắt đầu đẻ trứng. Trung bình, đẻ 3 - 4 lứa/năm, mỗi lứa từ 15 - 20 quả. Sau khi ba ba đẻ trứng, toàn bộ số trứng sẽ thu gom để đưa vào thùng ấp, ấp với nhiệt độ khoảng 35°C.

Trung bình, 60 - 65 ngày là trứng sẽ nở thành con. Trước khi ấp, có soi trứng trước; nếu quả trứng nào không có đực thì loại bỏ luôn. Trứng loại bỏ được bán cho thương lái với giá 10.000đ/quả.

Từ năm 2015 trở về đây, do gặp nhiều khó khăn nên việc xuất khẩu ba ba bị “đóng băng”. Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn rất phong phú, do đó anh vẫn tự tin làm kinh tế từ ba ba gai.

Đức Văn