Mỗi năm 1 mùa trắng đêm, đại gia chân đất chia nhau đếm 4.000 tỷ

Để kịp hàng ra chợ bán, những đại gia chân đất vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) phải dậy từ 2-3 giờ sáng, thậm chí thức xuyên đêm để hái vải. Cũng nhờ đó, vụ vải này họ có thể thu khoảng 4.000 tỷ đồng.

Để kịp hàng ra chợ bán, những đại gia chân đất vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) phải dậy từ 2-3 giờ sáng, thậm chí thức xuyên đêm để hái vải. Cũng nhờ đó, vụ vải này họ có thể thu khoảng 4.000 tỷ đồng.

Cả làng đi hái vải trong đêm

8 giờ sáng Chủ Nhật, ông Trần Văn Lân ở thôn Lâm (xã Giáp Sơn, Lục Ngạn) tất bật cùng người làm đưa những sọt vải cuối cùng vào khu tập kết để phân loại, cắt cuống, đóng hộp kịp cân bán cho doanh nghiệp vào lúc 10 giờ.

Mỗi năm 1 mùa trắng đêm, đại gia chân đất chia nhau đếm 4.000 tỷ

Dưới cái nắng đổ lửa, mồ hôi thấm ướt áo, ông Lân vẫn cười tươi rói. Ông khoe, vườn vải thiều của gia đình năm nay trúng mùa, hiện bắt đầu chín rộ. Mỗi ngày ông hái khoảng 1-2 tấn, doanh nghiệp tới tận nhà cân mua với giá 30.000 đồng/kg.

“Vải chỉ thu hoạch khoảng 25 ngày thì hết. Thế nên, những ngày này tôi và người làm phải dậy từ 3-4 giờ sáng soi đèn pin bẻ vải”, ông nói.

Gia đình ông Lân trồng vải thiều hơn 30 năm nay. Vào mùa thu hoạch, không chỉ gia đình ông mà người dân trồng vải thiều ở Lục Ngạn đều phải dậy sớm bẻ vải thiều. Bởi, vải thiều bẻ hái vào lúc có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào quả vải sẽ bị héo, vỏ xuống màu rất nhanh, người mua chê, giá bán cũng sẽ rất rẻ. Thế nên, người dân trồng vải đều phải dậy sớm thu hái.

Mỗi năm 1 mùa trắng đêm, đại gia chân đất chia nhau đếm 4.000 tỷ - 1

Vào mùa vải thiều, ông Thành thường phải dậy từ 3-4h sáng để hái kịp cân cho doanh nghiệp
 

Theo ông Lân, trồng và chăm sóc cây vải thiều không quá vất vả. Chỉ cần đúng thời điểm cắt tỉa cành, khoanh góc cho cây ra lộc rồi tưới nước, bón phân. Vất vả nhất là vào mùa thu hoạch, song ai cũng hào hứng dù có phải thức đêm, dậy sớm. Bởi, sau mỗi mùa vải, hộ trồng ít thu được vài chục triệu đồng, hộ trồng nhiều thì thu được tiền tỷ.

Chị Lê Thị Thúy - một hộ trồng 4ha vải thiều ở xã Giáp Sơn - hào hứng: “Năm nay vải được mùa lớn. Nhà tôi ước sản lượng được khoảng 50 tấn. Đợt này đang thu hoạch rộ nên gần như phải hái vải xuyên đêm”.

Do các thương lái chỉ thu mua vải thiều buổi sáng, chiều sẽ đóng đưa lên cửa khẩu xuất khẩu hay chuyển đi các tỉnh thành trong nước tiêu thụ nên đa số các hộ gia đình có nhiều vải thiều sẽ làm đêm, chuẩn bị sẵn hàng để sáng sớm hôm sau đi bán.

Như gia đình chị Thuý, ngoài 2 vợ chồng trực tiếp làm, còn phải thuê thêm gần chục người nữa để kịp bẻ vải bán. Những ngày đầu vải mới bắt đầu chín, chị chỉ cần dậy từ 3-4 giờ sáng. Còn giờ vải chín rộ thì phải dậy từ 1-2 giờ. Thậm chí, chị làm xuyên đêm vì buổi tối tranh thủ bẻ vải về bó, ngủ 1-2 tiếng lại dậy làm tiếp.

Mỗi năm 1 mùa trắng đêm, đại gia chân đất chia nhau đếm 4.000 tỷ - 2

Buổi sáng, mọi người chở vải ra chợ bán nên tối và đêm hôm trước thường tranh thủ thu hái và bó vải cho kịp
 

Dẫn chúng tôi ra vườn vải thiều của gia đình, chị Thuý cho biết, ban ngày chỉ chợ vải hoạt động tấp nập, còn không khí các vườn vải đều im phăng phắc. Song, vào buổi tối và sáng sớm, cả làng dậy soi đèn pin hái vải thiều. Không khí nhộn nhịp như đi trẩy hội.

Đại gia chân đất thu tiền tỷ mỗi năm

“Thức đêm đương nhiên rất vất vả rồi. Nhưng ai cũng vui vì sáng ra chở vải đi bán là thu tiền tươi”. Chị Thuý cho biết, thu hoạch hết vườn vải thiều rộng 4ha này thì nhà chị có tiền tỷ. Trừ đi chi phí phân bón, tiền công thu hái, vợ chồng chị cũng đút túi khoảng 800 triệu đồng.

Ông Trần Văn Lân cũng thừa nhận, vải thiều năm nay được mùa được cả giá. Hiện công ty đang đến tận vườn nhà ông thu mua với giá 30.000 đồng/kg.

Vài năm trở lại đây, năm nào vườn vải nhà ông Lân cũng được mùa. Mỗi năm cho thu khoảng 600-800 triệu đồng sau khi trừ hết các loại chi phí. Năm nay thì đặc biệt hơn, được mùa được cả giá. Sản lượng toàn vườn ước khoảng khoảng 40-45 tấn, tính ra lãi khoảng 1 tỷ đồng.

“Vợ chồng tôi trồng vải thiều đã 30 năm nay. Năm nào vào vụ thu hoạch cũng kiếm được khoản tiền kha khá. Có năm gửi ngân hàng tiết kiệm, được một khoản lớn lớn lại đem đi mua đất mở rộng diện tích trồng vải, trồng bạch đàn”. Ông nói và tiết lộ thêm, ông vừa mới cắt bớt 3ha đất chia cho vợ chồng con trai cả để trồng vải thiều, vợ chồng ông còn giữ lại cho mình 2 vườn (1 vườn 3ha và 1 vườn diện tích 1,5 mẫu). Đó là chưa kể diện tích trồng bạch đàn.

Mỗi năm 1 mùa trắng đêm, đại gia chân đất chia nhau đếm 4.000 tỷ - 3

Vải thiều Lục Ngạn năm nay trúng mùa, được giá, có hộ gia đình thu vài trăm triệu, thậm chí cả tiền tỷ
 

“Nhờ quả vải thiều mà giờ giàu rồi. Nhẩm tính giá trị đất mà vợ chồng tôi có thôi cũng đã vào khoảng 20 tỷ. Nhiều người hỏi mua, song tôi không bán. Vì bán đi là hết, để lại trồng vải thiều như bây giờ mỗi năm cũng thu được vài trăm triệu”, ông Lân chia sẻ.

Nói về vụ vải thiều năm nay, ông Tô Văn Huy, Chủ tịch Hội nông dân xã Giáp Sơn, cho biết, có tình trạng nhà nào mất mùa thì cứ mất, còn nhà nào được mùa thì cứ được.

Ở thôn Muối, xã Giáp Sơn thì thắng lớn, vải được mùa sai trĩu cành, chất lượng quả vải đẹp vì người dân đều áp dụng trồng theo phương thức VietGAP và GlobalGAP. Tổng sản lượng của cả thôn được khoảng 600 tấn. Giá được các điểm cân thu mua hiện dao động từ 20.000-35.000/kg.

Dân ở thôn này trồng vải đã trên 20 năm. Hộ nào ít khoảng vài sào, hộ nào nhiều thì trồng tới 3-4ha. Năm ngoái, cả thôn ước tính thu trên 60 tỷ doanh thu từ vải thiều, những hộ trồng diện tích lớn thu lãi 600 triệu đồng, ông cho hay.

Trao đổi với PV. VietNamNet, Tăng Văn Huy -Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn - cho hay, vải thiều Lục Ngạn chia làm 2 đợt thu hoạch gồm vải thiều sớm và vải thiều chính vụ. Thời gian thu hái bắt đầu từ tháng năm và kết thúc vào khoảng giữa tháng 7.

Vụ vải thiều năm ngoái, doanh thu toàn huyện đạt khoảng 3.500 tỷ. Năm nay, tổng diện tích đạt 16.000ha, năng suất lại cao hơn năm ngoái nên ước tính doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, ông Huy nói.

Theo C.Giang-D.Anh

Vietnamnet.vn