1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu đề xuất tăng 380.000 đồng, điều chỉnh tăng tuổi hưu - không dễ…

(Dân trí) - Lương tối thiểu đề nghị tăng thêm 380.000 đồng, hơn 1.140 đơn vị nợ đóng BHXH trên 36 tháng, tăng tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ dễ với các nước, lái xe Grab và nhân viên giao hàng có chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động?…là những thông tin hấp dẫn của lĩnh vực Việc làm tuần qua.

Đàm phán tăng lương tối thiểu 2020 tạm dừng với khoảng cách 5 %

Phiên đầu tiên về đàm phán lương tối thiểu 2020 đã tạm dừng mà chưa có kết quả cuối cùng. Tổng LĐLĐ VN và VCCI chưa tìm ra được tiếng nói chung vì khoảng cách đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2020 của 2 bên cách nhau tới... 5 %. 

Trao đổi với báo giới sau khi phiên đàm phán kết thúc, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho biết: “Cuộc họp hôm nay là dịp để các bên tìm hiểu mức đề xuất điều chỉnh của nhau. Bên cạnh đó, các bên cũng lắng nghe bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra những phân tích và phương án riêng".

Theo ông Lê Đình Quảng, đề xuất tăng lương tối thiểu 2020 của 2 bên chênh nhau tới 5 %.

Lương tối thiểu đề xuất tăng 380.000 đồng, điều chỉnh tăng tuổi hưu - không dễ… - 1

Hơn 1.140 đơn vị tại Hà Nội nợ BHXH kéo dài trên 36 tháng

Theo BHXH Hà Nội, tính tới hết tháng 5/2019, toàn thành phố có 1.1449 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) thời gian trên 36 tháng, tương ứng với số tiền là 663,3 tỷ đồng. Ngoài ra, 367 đơn vị nợ từ 24 đến dưới 36 tháng với số tiền 169,7 tỷ đồng…

Đồng thời tới hết tháng 5/2019, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Hà Nội lên tới 3.432,8 tỷ đồng, chiếm 7,91% kế hoạch thu. Trong đó có trên 34.212 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, hết lao động với số tiền nợ bảo hiểm là 1.109 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng số nợ.

Trước tình hình trên, BHXH Hà Nội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 1.372 đơn vị, bước đầu thu hồi được 113,6/302,7 tỷ đồng tiền nợ BHXH, xử phạt 6 đơn vị với số tiền 721 triệu đồng.

Bộ trưởng Lao động: Tăng tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ dễ với tất cả các nước

Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ với tất cả những nước đã thực hiện. Kinh nghiệm được chia sẻ từ các quốc gia này là, thường người dân không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng việc quyết định cần tính trên cơ sở vì lợi ích quốc gia, dân tộc… 

Cũng theo Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ với tất cả những nước đã thực hiện. Kinh nghiệm được chia sẻ từ những quốc gia này là cần quyết định sớm khi còn thặng dư lao động.

Thêm nữa, thông thường, người dân và người lao động không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng việc quyết định cần tính trên cơ sở vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Ngoài ra, quá trình xử lý việc tăng tuổi cũng cần phân loại theo các nhóm.

Lái xe Grab, nhân viên giao hàng, người thu phí…có được Luật Lao động điều chỉnh?

Hàng loạt các công việc phát sinh trong tình hình mới đang nằm ngoài sự điều chỉnh của Luật Lao động hiện hành, như: Lái xe Grab, nhân viên giao hàng, người thu phí…Vậy trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012 đang trình Quốc hội Khoá 7 xem xét, vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao? 

Giải thích điều này, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng mô hình việc làm đang phát triển phong phú, linh hoạt và thay đổi nhanh so với thực tế trước đó. "không đơn thuần công việc chỉ còn là một anh công nhân đi làm trong nhà máy hay một chị thợ may trong xưởng may".

“Thay vào đó, nhiều đối tượng trên đang làm theo một hình thức quan hệ lao động mới và thu nhập theo kiểu nào đó mà không chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động” - Vụ phó Vụ Pháp chế cho biết.

Vậy câu hỏi đặt ra, họ có phải là nhân viên của các đơn vị chủ quản đó không? Và có nên hay không nên coi họ là đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động sửa đổi? Nếu không điều chỉnh bằng Luật Lao động, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT, BHTN) của nhóm đối tượng trên liệu có cần tính tới?

Vì sao cần tăng tuổi nghỉ hưu?

Là người làm công hưởng lương, một sáng ngủ dậy, bạn sẽ nghĩ gì khi tuổi nghỉ hưu - được quy định cách đây gần 60 năm, sẽ tăng thêm từ 3 hoặc 4 tháng/năm tới khi đạt mốc mới: 62 tuổi cho nam giới và 60 cho nữ giới? Dẫu rằng lộ trình tăng sẽ từ 7-14 năm, tuỳ thuộc vào giới tính. 

Không ít người sẽ có cảm giác mệt mỏi chờ đợi. Bởi những kế hoạch nghỉ ngơi, các dự định cá nhân hay lộ trình chăm sóc sức khoẻ... sẽ bị ảnh hưởng bởi ngày nhận sổ hưu bị kéo dài thêm vài tháng hoặc vài năm. 

Trong diễn tiến đó, điều đương nhiên, nhiều người sẽ đặt ra những câu hỏi: Tại sao chọn thời điểm này để tăng tuổi hưu? Tăng tuổi hưu để làm gì khi vẫn có còn cả triệu lao động thất nghiệp? Liệu việc tăng tuổi hưu có làm giảm cơ hội việc làm cho lao động trẻ? Cơ hội nào cho người nghỉ hưu trước tuổi?…

Tại mỗi vị trí công việc, người lao động đều có quyền nêu những thắc mắc chính đáng về một chính sách an sinh xã hội rộng lớn, có tác động lâu dài tới nhóm đối tượng lên tới hàng chục triệu người trong tương lai như việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo nội dung Tờ trình sửa đổi Luật Lao động của Bộ LĐ-TB&XH cũng như thông tin của Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động chia sẻ trên báo giới thời gian qua, nhiều nội dung liên quan tới thắc mắc trên đã dần hé mở.

Hoàng Mạnh tổng hợp