1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu chưa đủ nuôi sống người lao động

(Dân trí) - Khảo sát vừa thực hiện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng 65% mức sống tối thiểu của người lao động.

Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố khảo sát tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động khu vực doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy, 35,6% số người lao động được hỏi cho biết thu nhập của họ không đủ chi tiêu; 44,7% cho rằng phải chắt chiu, dành dụm và thật thiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình; chỉ 1,9% cho biết đủ trang trải cuộc sống và có phần tích luỹ.

Cũng theo khảo sát, để người lao động có thể tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động (tại thời điểm tháng 4.2011), nhu cầu lương ở vùng I là 3.042.660 đồng/tháng; vùng II là 2.861.780 đồng/tháng; vùng II là 2.664.750 đồng/tháng và vùng IV là 2.470.950 đồng/tháng.

Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho biết, cuộc khảo sát cũng đưa ra một kết quả khá bất ngờ là, tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty làm ăn có lãi có thể đạt bình quân tới 8 đến 10 triệu đồng/tháng, cao hơn khoảng 3 lần so với nhóm doanh nghiệp khu vực FDI.

Được biết, những kết quả nói trên cũng là cơ sở để cơ quan này tham gia với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc điều chỉnh lương tối thiểu và cơ chế trả lương khu vực doanh nghiệp, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động.

Đánh giá về mức lương điều chỉnh hợp nhất lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vừa được áp dụng, đại diện của Tổng liên đoàn cho rằng đây là một cố gắng lớn của Chính Phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, mức điều chỉnh mới chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của người lao động. Theo nhận định của chuyên gia, việc tính toán theo cách tính chung chung như hiện nay là dựa vào các chỉ số như CPI và GDP sẽ không phản ánh hết đời sống thực tế của người lao động.

Lương tối thiểu chưa đủ nuôi sống người lao động - 1

Đời sống tối thiểu của người lao động còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: minh họa)

Cụ thể, theo khảo sát của Viện Công nhân-Công đoàn từ thì mức sống tối thiểu được cấu thành bởi 3 nhóm yếu tố gồm nhóm lương thực phẩm, nhóm phi lương-thực phẩm và xác định nhu cầu nuôi con.

Kết quả khảo sát từ tháng 4/2011 đến tháng 10/2011 tại Hà Nội (vùng I), với khẩu phần ăn đáp ứng được nhu cầu 2.300 kilô calo/ngày (gồm gạo tẻ, thịt hoặc trứng, rau, chuối, mỡ, mắm, muối, nước, gas) thì người lao động phải chi phí tới 35.300đ/ngày. Như vậy chỉ riêng tiền ăn, mỗi tháng người lao động đã phải chi tối thiểu 1.059.000đ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, chi phí để đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động vùng IV là gần 1,5 triệu đồng/người/tháng, vùng III là gần 1,9 triệu đồng/người/tháng, vùng II là khoảng 2,2 triệu đồng/người/tháng và vùng I là hơn 2,42 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, theo quyết định của Chính phủ, từ tháng 10/2011, mức lương tối thiểu chung áp dụng là 830.000 đồng/ tháng. Đối với  doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI), sẽ là mức điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) thống nhất, đối với vùng I: 2 triệu đồng, vùng II: 1,78 triệu đồng, vùng III: 1,55 triệu đồng, vùng IV: 1,4 triệu đồng.

Như vậy, có thể thấy rõ sự chênh lệch rất rõ ràng giữa thực tế đời sống của người lao động với lương tối thiểu vùng hiện nay.

 Về phía Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội - cơ quan khảo sát, đệ trình Chính phủ về đợt điều chỉnh lương vừa qua, Thứ trưởng Phạm Minh Huân, cho biết: Đây là khảo sát mà Bộ đã cộng thêm phần trượt giá kể từ năm 2008 đến nay. Ông Huân nhìn nhận: “Thực ra, đòi hỏi của Liên đoàn cũng là mong muốn của người lao động, ai chả muốn thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, cũng cần hiểu và thông cảm cho chủ sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Tại thời điểm lạm phát như hiện nay, nhiều đơn vị đang phải gồng mình trước hàng loạt sức ép: giá đầu vào nguyên liệu, tín dụng lãi suất cao, đầu ra không thể tăng nhiều… Đề xuất mà Bộ đưa ra đã tính toán nhằm đảm bảo không gây khó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

 P. Thanh