1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương năm 2015 của lao động thuộc DN Nhà nước đạt 7,04 triệu đồng/tháng

(Dân trí) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, số liệu trên dẫn đầu trong trung bình lương của người lao động tại nhóm 3 loại hình doanh nghiệp 100 % vốn Nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân. Khảo sát vừa được thực hiện cuối năm 2015 tại hơn 2.000 doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình kinh tế.


Mức lương khảo sát năm 2015 tăng hơn 2014 khoảng 8%.

Mức lương khảo sát năm 2015 tăng hơn 2014 khoảng 8%.

Về mức tiền lương năm 2015

Qua kết quả điều tra tiền lương tại 2.000 doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH nhận định tiền lương và thu nhập năm 2015 có xu hướng ổn định và tăng khá so với năm 2014.

Theo đó, mức tiền lương bình quân năm 2015 ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 8% so với năm 2014.

Dẫn đầu là thu nhập của người lao động tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 7,04 triệu đồng/tháng, tăng 8% so với năm 2014.

Lần lượt tiếp theo là thu nhập của lao động tại doanh nghiệp tư nhân đạt 4,99 triệu đồng/tháng (tăng 6%); doanh nghiệp FDI đạt 5,47 triệu đồng/tháng (tăng 9%).

Xét về tổng thu nhập năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH ước tính mức bình quân đạt 5,91 triệu đồng/người/tháng. Theo một chuyên gia về lao động và BHXH, mức tăng này vượt khoảng 7% so với năm 2014.

Trong đó, lần lượt theo thứ hạng từ cao xuống thấp là thu nhập của lao động doanh nghiệp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân là: 7,59 triệu đồng/tháng (tăng 7% so với năm 2014); 5,89 triệu đồng/tháng, (tăng 9%); 5,33 triệu đồng/tháng, (tăng 6%).

Lương bình quân của lao động tại các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc các Bộ ngành Trung ương đạt 12,73 triệu đồng/người.

Theo số liệu tổng hợp của 31 công ty mẹ của Tập đoàn, Tổng công ty thuộc các Bộ, ngành:

Tiền lương bình quân của người lao động năm 2014 là 12,73 triệu đồng/tháng, năm 2015 ước đạt 13,15 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2014.

Tiền lương bình quân của viên chức quản lý chuyên trách năm 2014 là 41,33 triệu đồng/tháng, năm 2015 ước đạt 42,55 triệu đồng/tháng, tăng 2,95% so với năm 2015.

Về tình hình tiền thưởng Tết năm 2016

Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương tập hợp các báo cáo của các ngành và địa phương. “Tuy nhiên qua trao đổi cho thấy, tiền thưởng Tết của các doanh nghiệp sẽ tăng nhưng không đột biến so với năm 2015” - một chuyên gia về tiền lương của Bộ LĐ-TB&XH dự báo.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP công khai trong doanh nghiệp, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động trong dịp Tết năm 2016, phối hợp với công đoàn xây dựng phương án tiền thưởng tết dương lịch và tết âm lịch năm 2016 và thông báo cho người lao động biết.

Nhìn lại mức thưởng Tết năm 2015

Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức thưởng bình quân khoảng 1,55 triệu đồng/người; người có mức thưởng cao nhất là 583 triệu đồng/người; người có mức thưởng thấp nhất là 30.000 đồng/người.

Tết Nguyên đán năm 2015, mức thưởng bình quân khoảng 01 tháng lương (khoảng 5,0 triệu đồng/người); người có mức thưởng cao nhất 482 triệu đồng/người; người có mức thưởng thấp nhất là 50.000 đồng/người

Các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế của Nhà nước có khoản tiền lương còn lại để trả cho người lao động (tiền lương hằng tháng mới tạm ứng khoảng 80%, còn lại thanh toán vào các dịp lễ, tết, cuối năm).

Theo đó, tiền thưởng lấy từ lợi nhuận sau thuế theo quy định của Nhà nước tối đa 3 tháng tiền lương cho quỹ khen thưởng và phúc lợi đối với doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

Khoản tiền thưởng từ quỹ khen thưởng và phúc lợi nếu trên được các doanh nghiệp chi trả cho dịp lễ, tết và thanh toán một phần vào năm sau khi quyết toán tài chính.

Hoàng Mạnh