1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bài 2:

Lao động VN tại Algeria bị hành hung: Cục Quản lý lao động nói gì?

(Dân trí) - “Doanh nghiệp cần chăm sóc người bị thương và làm rõ trách nhiệm trong việc chuyển từ lương công nhật sang lương khoán. Mức khoán này còn phải được thẩm định xem tất cả công nhân đáp ứng được không? Cục đã có công văn gửi Đại sứ quán VN tại Algeria hỗ trợ công ty cùng giải quyết vấn đề”

Ông Phạm Việt Hương - Cục Phó Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)
Ông Phạm Việt Hương - Cục Phó Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)

Chiều 6/10 tại Hà Nội, ông Phạm Việt Hương - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV Dân trí sau khi có thông tin về việc lao động VN bị hành hung tại Algeria hôm 16/9.

“Theo phản hồi của Cty, xô xát phát sinh từ việc không thỏa thuận được cách tính lương làm việc giữa chủ sử dụng lao động và công nhân. Theo hợp đồng ban đầu, người lao động làm công nhật. Sau thời gian thử việc, 2 bên thống nhất mức khoán và có sự đồng ý của công ty.

Nhưng khi đưa ra mức khoán thì người lao động không đồng ý và tự nghỉ việc. Khi quản đốc người Trung Quốc yêu cầu lao động VN đi làm. Anh em không đồng ý. Sự việc xô xát đã xảy ra và làm 3 người bị thương” - ông Phạm Việt Hương cho biết.

Trước đó, 55 lao động VN được Công ty cổ phần SIMCO Sông Đà (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đưa sang làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại thành phố Khenchela (Algeria) từ tháng 6/2015.

Sự việc xô xát giữa nhóm công nhân với chủ sử dụng lao động - Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô hôm 16/9.

“Về phía công ty phải xác minh rõ việc tại sao lại để 1 số lao động tự ý thỏa thuận với chủ sử dụng lao động chuyển từ lương công nhật sang lương khoán. Mặc khác, mức khoán này còn phải được thẩm định để xem tất cả công nhân có thể đáp ứng được hay không?” - ông Phạm Việt Hương nói.

Cũng theo ông Phạm Việt Hương, ngày 22/9, Đại sứ quán VN tại Algeria thông báo tình hình sự việc cho Cục. Ngày 24/9, Cty SIMCO Sông Đà đã đưa cán bộ sang làm việc tìm hiểu thông tin.

Do chưa có Ban quản lý lao động tại Algeria, Cục đã có công văn gửi Đại sứ quán VN tại Algeira để nhờ sứ quán cử cán bộ xuống hỗ trợ công ty để có giải pháp tốt nhất cho người lao động.

“Theo công ty cập nhật tình hình, người lao động VN hiện không còn tình trạng bị đánh đập và uy hiếp tinh thần” - ông Phạm Việt Hương nói.

Để xử lý dứt điểm tình hình, ông Phạm Việt Hương đã chỉ đạo công ty phối hợp với chủ sử dụng chăm sóc cho người lao động bị thương. Trường hợp chủ sử dụng không lo bữa ăn cho lao động vì không đi làm, Công ty phải đảm bảo việc nấu ăn.

"VN bắt đầu cử lao động tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Algeria từ năm 2013. Tới nay, 15 doanh nghiệp XKLĐ VN đang phái cử khoảng 2.400 lao động đang làm việc. Công việc chủ yếu là công nhân xây dựng. Mức lương trung bình: Từ 400-500 USD/người/tháng" - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH).

“Vấn đề chỉ xoay quanh việc đàm phán mức lương khoán chứ không phải về ăn ở, điều kiện làm việc hay thu nhập không đảm bảo. Nếu chỉ vì việc chưa thống nhất nội dung nhỏ mà lao động bỏ về sẽ là đáng tiếc, nguy cơ ảnh hưởng tới tài chính của gia đình” - đại diện Cục cho biết.

Để giải quyết dứt điểm sự việc, Cục đã yêu cầu Cty cử lãnh đạo sang để trực tiếp giải quyết.

Đại diện Cục đưa ra gợi ý: Công ty cần điều chỉnh mức lương khoán với chủ sử dụng lao động, nhưng không thấp hơn lương công nhật.

“Trường hợp lao động có nhu cầu về nước. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm mua vé đưa lao động về nước. Còn khi thanh lý hợp đồng sẽ xác định cụ thể lỗi từ phía nào để tính toán chi phí” - ông Phạm Việt Hương nói.

Chiều 6/10, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã gửi Công văn số 1525/QLLĐNN-HQTACP tới Đại sứ quán VN tại Algeria. Trích công văn:

"Theo báo cáo của Cty Simco Sông Đà, đã có 7 lao động trong số 55 lao động đồng ý với định mức khoán mới và được chuyển sang công trường khác làm việc. 23 lao động đã đồng ý nhưng chưa chuyển được công trường.

Cục Quản lý lao động chỉ đạo Công ty Simco Sông Đà kiên trì thuyết phục người lao động hợp tác, đi làm việc theo mức khoán mới.

Trường hợp người lao động vẫn muốn về nước công ty sẽ phối hợp với chủ sử dụng làm thủ tục cho họ về nước. Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị Đại sứ quán cử cán bộ xuống công trường xem xét tình hình, phối hợp hỗ trợ đại diện công ty và chủ sử dụng giải quyết sự việc..."

Hoàng Mạnh