1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bài 7:

Lao động VN bị đánh ở Algeria: Chậm hồi hương vì mức bồi thường cao 3.000-4.000 USD/người

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Đại sứ quán VN tại Algeria làm việc với cơ quan chức năng nước sở tại nhằm can thiệp cho người lao động VN được về nước nhanh chóng, giảm thiểu chi phí bồi thường hợp đồng. Mức đòi bồi thường đang từ 3.000 - 4.000 USD/người, visa của lao động cũng đã hết hạn.


Hôm 15/10 tại Hà Nội, thân nhân lao động đang làm việc ở Algeria, yêu cầu cơ quan chức năng cứu giúp người thân.

Hôm 15/10 tại Hà Nội, thân nhân lao động đang làm việc ở Algeria, yêu cầu cơ quan chức năng cứu giúp người thân.

Mức bồi thường cao

Liên quan tới vụ việc xô xát của lao động VN với chủ sử dụng lao động - Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc), hôm 16/9 tại Algeria, khiến 2 lao động VN bị thương.

Bộ LĐ-TB&XH vừa gửi công văn tới Đại sứ quán VN tại Algeria. Nội dung công văn nêu rõ: Sau khi sự việc xô xát giữa công nhân và chủ sử dụng lao động Trung Quốc ở Algeria xảy ra, công ty Simco Sông Đà - đơn vị phái cử lao động VN - đã làm việc với chủ sử dụng lao động để có các biện pháp an toàn, thống nhất mức lương mới để người lao động tiếp tục làm việc, chữa trị kịp thời để người lao động bị thương.

Tuy nhiên, phần lớn người lao động đều không muốn làm việc, kể cả phương án chuyển sang chủ sử dụng lao động khác. Chỉ có 5 lao động đồng ý làm việc với chủ sử dụng cũ với mức lươn mới.

Hiện, công ty Simco Sông Đà đang đàm phán với chủ sử dụng để đưa lao động về nước. Tuy nhiên, việc đưa lao động về gặp khó khăn do chủ sủ dụng lao động đòi mức bồi thường phá hợp đồng còn khá cao: Từ 3.000-4.000 USD/người.

Ngoài ra, công văn của Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ rõ: Visa nhập cảnh của lao động trên đã hết hạn (thời hạn 3 tháng), nếu không được đổi sang giấy phép cư trú, hoặc làm thủ tục về nước, họ có thể bị phạt và việc về nước sẽ khó khăn hơn.

Từ tháng 6-7/2015, hơn 50 lao động VN được Công ty Simco Sông Đà (Hà Đông, Hà Nội) đưa sang làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH xây dựng công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) tại thành phố Khenchela (Algeria).

Công ty phái cử lao động cần khẩn trương hơn

Trong diễn biến liên quan, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa gửi công văn hỏa tốc tới Công ty Simco Sông Đà (Hà Đông, Hà Nội) yêu cầu khẩn trương làm thủ tục hồi hương cho lao động VN tại Algeria có nhu cầu về nước.

Công văn do ông Phạm Viết Hương - Cục phó Cục quản lý lao động ngoài nước - ban hành nêu rõ: “Liên quan tới 57 lao động được công ty Simco Sông Đà đưa sang làm việc ở Algeria để làm việc cho Công ty Đông Nhất Giang Tô, Cục quản lý lao động ngoài nước yêu cầu công ty Simco Sông Đà nghiêm túc và khẩn trương đàm phán với chủ sử dụng lao động để hoàn tất các thủ tục, đưa về nước các lao động có nhu cầu hồi hương, tránh để tình trạng kéo dài, có thể làm phức tạp thêm tình hình”.

Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu Công ty Simco Sông Đà thường xuyên báo cáo Đại sứ quán VN tại Algeria để Đại sứ quán làm việc với các cơ quan của Algeria đề nghị can thiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nhanh chóng hoàn tất các thủ tục về nước an toàn và giảm thiểu chi phí bồi thường hợp đồng.

Đồng thời, công ty Simco Sông Đà cần chuẩn bị phương án thanh lý hợp đồng để chủ động làm việc với người lao động về nước, báo cáo Cục quản lý lao động ngoài nước phương án thanh lý hợp đồng nêu trên.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước: VN bắt đầu cử lao động tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Algeria từ năm 2013. Tới nay, 15 doanh nghiệp XKLĐ VN đang phái cử khoảng 2.400 lao động đang làm việc. Công việc chủ yếu là công nhân xây dựng. Mức lương trung bình: Từ 400-500 USD/người/tháng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan liên tăng cường biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo hộ công dân VN đang làm việc tại Algeria.

Cụ thể, các cơ quan chức năng trên phải làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng của Algeria để nắm tình hình và tìm biện pháp bảo vệ quyền lợi cho lao động.

Thủ tướng yêu cầu, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Công ty Simco Sông Đà tiếp tục theo dõi vụ việc, trao đổi với đối tác Trung Quốc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động theo hợp đồng đã ký kết.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp phái cử lao động VN làm việc tại Algeria phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra điều kiện làm việc, thường xuyên cập nhật cho Cơ quan đại diện VN ở nước sở tại danh sách lao động VN ở địa bàn để phối hợp quản lý, kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân khi có vụ việc xảy ra.

Hoàng Mạnh