1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động Việt: Nhiều nhưng ..."yếu"!

(Dân trí) - "Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với hơn 63 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 69,5% dân số. Tuy nhiên, việc đầu tư cho chất lượng nguồn lực chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức" - ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH nhận xét.

Ngày 30/7 tại TPHCM, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức hội thảo đánh giá giữa kỳ chương trình hợp tác Quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm bền vững giai đoạn 2017 - 2021.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, sau 2 năm thực hiện, chương trình đã góp phần đẩy nhanh việc xây dựng dự án Luật Lao động (sửa đổi); tập trung thể chế hóa các quan điểm về quan hệ lao động; phát huy hơn nữa quyền bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, chương trình còn tăng cường đối thoại, phát huy dân chủ, lao động sáng tạo của người lao động; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại nơi làm việc.

Lao động Việt: Nhiều nhưng ...yếu! - 1

Các diễn giả tham gia Hội thảo

Tuy nhiên, các chuyên gia tham dự hội nghị cũng đề cập đến nhiều thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu việc làm bền vững trong giai đoạn này, khi mà chất lượng lao động còn khá thấp.

Theo các báo cáo tại hội nghị, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với hơn 63 triệu người (chiếm 69,5% dân số) trong độ tuổi lao động, mang lại nhiều lợi thế về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng và môi trường làm việc cho lao động chưa được các doanh nghiệp và người lao động quan tâm một cách đúng mức.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: “Về phía các doanh nghiệp, họ chưa hiểu hết về tầm quan trọng của vấn đề trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Hàng hóa muốn xuất khẩu, ngoài chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp còn phải chứng minh được việc tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về lao động của quốc gia cũng như những tiêu chuẩn của quốc tế”.

Lao động Việt: Nhiều nhưng ...yếu! - 2

Nhiều bất cập trong việc nâng cao chất lượng môi trường làm việc của lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

Vì thế, ông Cường đề nghị phải tăng cường nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động về các tiêu chí việc làm bền vững. Từ đó nhằm giúp họ tự ý thức phải tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh và phát triển để các doanh nghiệp và người lao động nâng cao được những giá trị vốn có của bản thân.

Ngoài ra, việc điều phối và giám sát thực hiện các yêu cầu về nâng cao chất lượng và môi trường làm việc cũng chưa được các đơn vị liên quan phối hợp một cách chặt chẽ, thiếu sự đồng bộ giữa các sở ban ngành địa phương và các tổ chức xã hội, dẫn đến khó thực hiện được một cách sâu rộng trong từng địa phương và doanh nghiệp.

Về giải pháp bền vững, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: “Để xây dựng và đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng và hơn hết là đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên đó là nhà nước, doanh nghiệp và người lao động".

Trên cơ sở đó mới có được những chính sách kịp thời nhằm nâng cao chất lượng môi trường làm việc ngày càng tốt hơn cho lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay của đất nước”.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự hội nghị đồng tình với ý kiến trên.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để chương trình hiệu quả hơn trong việc thực hiện mục tiêu việc làm bền vững, cần có sự thay đổi trong hệ thống quản lý để số liệu được liên thông, thống nhất; các đơn vị liên quan cần chủ động và phối hợp tốt hơn...

Gia Vinh