1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động về nước trước thời hạn: Vừa mất việc, vừa mất tiền

(Dân trí) - Bị mất việc do khủng hoảng kinh tế, gần chục lao động làm việc tại CH Séc phải về nước trước hạn. Phía công ty đưa họ sang làm việc - Nosco đẩy lỗi về phía người lao động để “quỵt” các khoản đền bù..

Lao động về nước trước thời hạn: Vừa mất việc, vừa mất tiền - 1

Để có đủ tiền đi làm việc tại Séc, họ đã phải vay ngân hàng, cắm sổ đỏ... mà giờ lại trở về trắng tay

Đã nghèo lại càng nghèo hơn

Ngày 18/4/2008, công ty TNHH một thành viên Đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế Nosco (Hà Nội) đã đưa một đoàn lao động Việt Nam sang làm việc tại nhà máy khoá Kiekert (CH Séc) thông qua công ty môi giới bên nước bạn là Favi.

Trong đoàn đó có 9 lao động gồm các anh: Đào Thanh Linh, Nguyễn Danh Chuẩn, Nguyễn Đức Lịch, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Hà Quyền, Bùi Chiêu Hưng, Phạm Văn Tuấn, Trần Đăng Trường và Nguyễn Đức Long; có thời hạn hợp đồng lao động là 3 năm.

Tuy nhiên, sau 1 năm làm việc, ngày 10/4/2009, Trưởng phòng nguồn nhân lực của nhà máy khoá Kiekert đã có văn bản gửi nhóm người lao động Việt Nam, nêu rõ: Do khủng hoảng kinh tế thế giới gây ảnh hưởng đến các hãng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, bị giảm các đơn đặt hàng nên nhà máy Kiekert không thể ký hợp đồng mới với người lao động được. Trước đó, nhà máy này cũng đã thông báo việc chấm dứt việc làm (hợp đồng năm thứ nhất) đến người lao động.

Nhận được thông báo trên, cả 9 lao động đã nhiều lần liên lạc với Công ty Nosco và Công ty Favi nhưng đều không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào để tìm việc làm mới. Trước tình hình thực tế rất khó khăn về công việc tại Séc, 9 lao động không còn cách nào khác là phải trở về nước trước thời hạn 2 năm, theo chương trình tự nguyện hồi hương của Chính phủ CH Séc dành cho lao động nước ngoài tại Séc bị mất việc làm do khủng hoảng kinh tế.

Ngày 7/5/2009, các lao động đã được Công ty Nosco mời đến để thanh lý hợp đồng. Nguyện vọng của họ là đề nghị công ty trả lại các khoản tiền theo đúng quy định. Đòi hỏi chính đáng này cũng đã được Cục quản lý lao động ngoài nước quy định rõ: khi lao động về nước trước hạn do khủng hoảng kinh tế, DN phải trả lại một phần phí môi giới và phí dịch vụ cho người lao động.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với người lao động, Bà Phạm Thị Minh Thái - PGĐ công ty nói rằng cả 9 người lao động về nước là phá vỡ hợp đồng nên công ty chỉ trả lại cho lao động 700 USD tiền đặt cọc!

Câu trả lời của bà phó giám đốc khiến tất cả những người lao động có mặt tại buổi hôm đó bị “sốc” bởi nếu so với số tiền 93 triệu đồng (có hóa đơn chứng từ) mà họ đã phải đóng trước khi đi thì 700 USD được bồi hoàn chẳng thấm tháp gì.

Anh Đào Thanh Linh cho biết: “Để có đủ tiền nộp đi Séc, gia đình tôi đã phải vay ngân hàng, thế chấp sổ đỏ nhà đất và cả sổ hưu của bố. Giờ đây chúng tôi nợ nần chồng chất không biết khi nào mới trả hết”.

“Đi làm việc ở nước ngoài để xoá đói giảm nghèo, về lại càng nghèo hơn” - một lao động cay đắng nói.

Cố tình đổ lỗi cho người lao động

Ngày 18/5, trong buổi làm việc với báo chí, bà Phạm Minh Thái đại diện cho phía Công ty Nosco vẫn một mực cho rằng người lao động đã phá vỡ hợp đồng. Theo lý giải của bà Thái, khi thấy người lao động gặp khó khăn về việc làm, Công ty Favi đã tìm được việc làm mới cho người lao động chính tại nhà máy Kiekert nhưng người lao động đã không tiếp tục ở lại mà đăng ký tự nguyện về nước.

Bằng chứng là ngày 22/3, họ đã có thông báo gửi tới người lao động. Theo đó Favi đã đưa tên 2 lao động (là Nguyễn Hữu Thản và Ngô Văn Giang) vào danh sách tìm được việc làm mới tại Kerkert. Tuy nhiên, nhóm lao động đều phủ nhận thông tin này, họ cam đoan không hề nhận được thông báo đó cũng như không hề nhận được sự trợ giúp nào từ phía Favi. Về 2 lao động có tên trong thông báo, nhóm này cho biết cả 2 đã ra ngoài làm (một người chuyển đổi visa lao động sang visa kinh doanh và một người đã sang Đức định cư cùng người thân).

Lao động về nước trước thời hạn: Vừa mất việc, vừa mất tiền - 2

Phiếu thu thể hiện số tiền 93 triệu đồng mà người lao động đã nộp cho công ty Nosco
 
Nhóm lao động cho biết, 1 năm qua, tổng thu nhập của họ khi làm việc ở nước ngoài chỉ khoảng 50 triệu đồng, chưa đủ bù số tiền đã bỏ ra để đi, vì vậy không ai dại gì lại về trước thời hạn nếu không vì mất việc làm.

Để được đi lao động tại CH Séc, mỗi lao động phải nộp cho công ty Nosco 93 triệu đồng chưa kể 1.300 USD lệ phí chống trượt visa nhưng không có biên lai thu. Trong khi đó, trong hợp đồng với người lao động, công ty Nosco chỉ thể hiện số tiền công ty thu là 73,5 triệu đồng (làm tròn số). Về số tiền thu không có chứng từ, bà Thái lý giải đây là tiền dịch vụ visa.

Theo như hợp đồng ký giữa người lao động với công ty Nosco, người lao động đã phải nộp nhiều khoản thu vượt quy định. Cụ thể: tiền phí dịch vụ và quản lý lao động công ty thu trước 3 năm (trong khi hợp đồng là 01 năm và việc được gia hạn hay không phụ thuộc vào chủ sử dụng lao động).

Phí môi giới theo quy định của Bộ LĐTBXH, thị trường CH Séc được thu  tối đa 1.500 USD cho hợp đồng 02 năm, công ty Nosco đã thu 1.500 USD cho hợp đồng 01 năm. Thậm chí, chỉ mỗi việc đưa đón sân bay, công ty Nosco cũng thu của người lao động tới 72 USD!

Nhưng điều đáng trách hơn cả là khi biết người lao động bị mất việc, công ty cũng không có động thái tích cực hỗ trợ, giúp đỡ, thậm chí lại còn muốn đẩy lỗi cho người lao động để không phải trả lại nhiều khoản phí theo quy định.

Ngày 12/5/2009, Cục quản lý lao động ngoài nước đã có công văn số 682 gửi công ty Nosco trong đó yêu cầu công ty thanh lý hợp đồng với người lao động theo quy định của pháp luật, xem xét hoàn cảnh khó khăn của lao động để hỗ trợ thêm. Thế nhưng, tại buổi làm việc ngày 18/5/2009 với báo chí, bà Thái cho biết công ty vẫn chưa nhận được văn bản này!

Trước sự việc này, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc nhằm làm sáng tỏ sự việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: không để người lao động mất việc khi trở về phải trắng tay và mang nợ nần…

Lan Hương