1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động từ Hàn Quốc về nước: Lương tháng 12 - 15 triệu đồng không khó

(Dân trí) - “Lao động từ Hàn Quốc về nước có thể tiếp cận ngay công việc phiên dịch cơ bản tại phân xưởng. Những người có kỹ năng nghe và nói tốt tiếng Hàn có thể ứng tuyển ở vị trí phiên dịch cấp cao hơn ở công ty, với mức lương tháng từ 15-20 triệu đồng”.


Phiên GDVL thu hút sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tạị Việt Nam.

Phiên GDVL thu hút sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tạị Việt Nam.

Bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi về cơ hội việc làm tại Phiên GDVL miễn phí dành cho lao động VN từ Hàn Quốc về nước. Chương trình do Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD) tổ chức ngày 1/12 tại Hà Nội.

Ít nhu cầu tìm việc "ảo"

Theo ghi nhận của PV Dân trí, Phiên GDVL ngày 1/12 đã thu hút gần 1.000 ứng viên là lao động VN từ Hàn Quốc về nước tới ứng tuyển. Điểm chung của Phiên GDVL này là ít nhu cầu tìm việc “ảo”. Đồng thời, đa số ứng viên đều có hiểu biết nhất định về tác phong làm việc công nghiệp của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Bạn Đinh Công Tiến (ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh) cho biết: “Tôi mới từ Hàn Quốc về nước được hơn 6 tháng. Với kinh nghiệm điều khiển máy tiện CMC, tôi kỳ vọng mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương không cao so với khi là việc ở Hàn Quốc nhưng tạm phù hợp với thị trường lao động tại Việt Nam”.

Tương tự, bạn Nguyễn Văn Dũng (Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết: Tôi về nước được 3 năm và đang làm quản lý sản xuất tại VN. Do am hiểu về doanh nghiệp Hàn Quốc, tôi có thể làm phiên dịch cơ bản tại xưởng. Ngoài ra, tôi có thể tiếp cận với máy móc mới đưa sang từ Hàn Quốc. Mức lương tháng đề xuất của tôi là 15 triệu đồng”.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc TT DVVL Hà Nội, Phiên GDVL có sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc tại VN, với hơn 300 chỉ tiêu tuyển dụng. “Nhu cầu tuyển dụng lao động sản xuất chiếm 67 %, tiếp sau là ngành xây dựng, thương mại. Các vị trí được tuyển nhiều là quản lý sản xuất, biên-phiên dịch, kỹ thuật viên, công nhân hàn…”

Trong khi đó, bạn Hoàng Trọng Thọ (Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng khoảng cách nơi làm việc với nơi ở hơn 40 km là chuyện bình thường. “Tôi định ứng tuyển vào doanh nghiệp Sam sung tại Bắc Ninh. Khoảng cách 40 km so với nhà là phù hợp. So với thời gian làm việc ở Hàn Quốc, khoảng cách về địa lý và thời gian với gia đình từng điều mà tôi thực sự khó vượt qua khi mới sang”.

Đây chỉ là nhu cầu của 3 trong số hàng trăm ứng viên háo hức tìm kiếm việc làm tại Phiên GDVL ngày 1/12 tại TT DVVL Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều ứng viên cũng băn khoăn riêng.

Bạn Nguyễn Đức Phú (Thạch Thất, Hà Nội), nói: “Ở Hàn Quốc, chúng tôi có thể giao tiếp được với chủ doanh nghiệp bằng tiếng Hàn. Nhưng thực sự chỉ là tiếng “bồi”. Khi dự tuyển ở Phiên GDVL, nhiều vị trí hấp dẫn nhưng lại đòi hỏi ứng viên thành thạo đọc, viết tiếng Hàn…”.

Mức lương cũng là điều không phải ứng viên mới về nước dễ chấp nhận. Bạn Đỗ Thức Tuấn (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho biết: “Tôi mới về nước được 4 tháng. Mức lương bên đó đang là 30.000.000 đồng/tháng. Ở VN, đa số các vị trí chỉ từ 10-13 triệu đồng/tháng. Thực sự là điều cần thời gian để quen dần”.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu nói về Phiên GDVL dành cho LĐ VN từ HQ trở về.

Trả lương theo năng lực

Đem tới nhiều yêu cầu tuyển nhân viên kỹ thuật và thông dịch việc, bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Nhân sự Cty Glonics VN, cho biết: Công ty ưu tiên lao động từ Hàn Quốc về nước, trình độ từ cấp 3 trở lên và sử dụng được máy CMC. Mức lương từ 600-1.000 USD/tháng cùng các chế độ phụ cấp.

Đánh giá về năng lực làm việc của lao động từng về từ Hàn Quốc, bà Hoàng Thị Phương Thảo bật mí công ty đang sử dụng hơn 20 lao động thuộc nhóm trên. “Kỹ năng sử dụng tiếng Hàn của họ chưa thành thạo nhưng có kinh nghiệm làm việc và am hiểu văn hoá Hàn Quốc. Đặc biệt, khả năng thích ứng cao”.

“Mô hình Phiên GDVL cho lao động VN từ Hàn Quốc về nước là giải pháp giảm tỉ lệ lao động VN bất hợp pháp tại Hàn Quốc, giúp lao động về nước tái hoà nhập cộng đồng. Đồng thời đóng góp phát triển kinh tế đất nước” - bà Phạm Ngọc Lan nói

Đem tới Phiên GDVL yêu cầu tuyển số lượng không hạn chế lao động từ Hàn Quốc về nước, ông Lê Thành Phong - Phòng tuyển dụng Cty TNHH LG Display Hải Phòng - cho biết: “Công ty ưu tiên lao động đã làm trong lĩnh vực điện tử, thông thạo tiếng Hàn Quốc càng tốt. Tuỳ vào từng vị trí làm việc và năng lực, công ty sẽ trả mức lương từ 800 -1.000 USD/tháng”.

Ông Lê Thành Phong đánh giá cao sự tuân thủ kỷ luật, chấp hành thời gian và chú tâm làm việc của nhóm lao động này.

Tuy nhiên, nhà tuyển dụng này thừa nhận, đa số lao động VN từ Hàn Quốc về nước chỉ có thể giao tiếp cơ bản tiếng Hàn và truyền đạt ý kiến của chủ doanh nghiệp cho công nhân trong phân xưởng. Khả năng phiên dịch cho chuyên gia khó thực hiện được.

“Nhiều người về muốn ứng tuyển vào vị trí quản lý sản xuất. Nhưng khả năng thực tế còn phải do kết quả phỏng vấn và xử lý tình huống” - ông Lê Thành Phong cho biết.

Chia sẻ về sự khác biệt giữa mức lương khi làm việc giữa Hàn Quốc và Việt Nam, ông Sung Woo Kim, trưởng phòng quản lý Cty TNHH Unique Techno Vina, cho rằng: Mức lương khởi điểm 10 triệu đồng cho các lao động VN từ Hàn Quốc về khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên thiết kế, thợ tiện máy CMC và nhân viên kinh doanh là hợp lý.

“Ở Hàn Quốc, lao động Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi về chế độ lương và môi trường làm việc tốt. Tuy nhiên, không ít lao động khi về nước vẫn có tư duy cho rằng lương phải như ở Hàn Quốc. Họ đề xuất lương tới 20 triệu đồng/tháng nhưng tiếng Hàn không thành thạo và chuyên môn chưa tốt. Vì 2 môi trường làm việc khác nhau nên người lao động cần thay đổi nhận thức về điều này” - ông Sung Woo Kim giải thích.

Hoàng Mạnh

Tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến 7 tỉnh, thành phía bắc

“Phiên GDVL trực tuyến miễn phí ngày 17/11 đã thu hút hàng trăm ứng viên ở đầu cầu Hà Nội cũng như 6 đầu cầu khác. Đây là cơ hội gặp gỡ giữa ứng viên và nhà tuyển dụng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau”.

Lao động từ Hàn Quốc về nước: Lương tháng 12 - 15 triệu đồng không khó - 2

Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc TT DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), trao đổi về hiệu quả của Phiên GDVL online (trực tuyến) hôm 17/11, nhằm kết nối 7 trung tâm dịch vụ việc làm thuộc của các sở LĐ-TB&XH Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hải Dương, Bình Dương, Hà Nội. Theo đó, Phiên GDVL trực tuyến lần thu hút sự tham gia của 130 - 150 doanh nghiệp trên địa bàn 7 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc. Thông tin online giúp người lao động và doanh nghiệp có thể hạn chế thời gian đi lại và nắm được nhu cầu tuyển dụng ủa doanh nghiệp trên địa bàn mình quan tâm. Theo Vũ Thị Thanh Liễu, Phiên GDVL online đã giúp nhiều lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp có thêm nhiều cơ hội tiếp cận được thông tin về học nghề, việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp với khả năng. Ngay tại Phiên GDVL, nhiều lao động tại các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hoà Bình đã có thể nắm được thông tin việc làm tại thị trường lao động Hà Nội. Đặc biệt là các thông tin về việc làm thời vụ và bán thời gian với mức lương khởi điểm. Từ các chỉ tiêu tuyển dụng của Phiên GDVL online, đại diện TT DVVL Hà Nội đánh giá, nhu cầu tuyển dụng cuối năm của doanh nhiệp phần lớn là công việc có tính thời vụ như bán hàng, giao hàng, phục vụ bàn... “Đa số người lao động đều có tâm lý chờ đợi khoản thưởng Tết tháng thứ 13. Do vậy, nhu cầu chuyển đổi công việc sẽ không nhiều. Tuy nhiên đứng ở góc độ khác, tỉ lệ tìm việc ảo sẽ ít hơn các quý trước” - bà Vũ Thị Thanh Liễu nói.

V.D

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội lên tiếng 13.000 tỉ đồng nợ BHXH, BHTN, BHYT

Tại họp báo Chính phủ chiều 29/10, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXHVN đã trả lời trước những thắc mắc về giải pháp nào nhằm xử lý số nợ BHXH, BHTN hơn 13.000 tỉ đồng tới tháng 9/2016. Đặc biệt là tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi nhưng vẫn cố tình không đóng BHXH gây ảnh hưởng nhiều cho người lao động.

Lao động từ Hàn Quốc về nước: Lương tháng 12 - 15 triệu đồng không khó - 3

Ông Phạm Lương Sơn cho biết, số tiền 13.000 tỉ đồng nợ BHXH, BHYT và BHTN chiếm 5,8% dư nợ, giảm so với cùng kỳ năm 2015 (trên 6,3%). Để giảm số nợ trên, ngành bảo hiểm xã hội và các cơ quan chức năng hỗ trợ quyết liệt trong việc thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi người lao động tham gia bảo hiểm. “Đến thời điểm hiện nay, ngoài việc khởi kiện cũ đã thu hồi nhiều tiền cho người dân. Chúng tôi đặt mục tiêu, còn 3 tháng cuối năm, sẽ đưa dư nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp còn 3,5%, bằng với dư nợ 2015, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Được biết, BHXH VN đang phối hợp Bộ LĐ-TB&XH tổ chức thanh tra thu, hoàn thiện các văn bản quy định triển khai công tác thanh tra thu BHXH, BHTN.

L.P