1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động tự do: Ốm không dám đi bệnh viện

(Dân trí) - Lao động di cư tự do từ nông thôn ra đô thị thường không có nhà ở, không nơi cho con học hành, ốm đau không dám đi chữa bệnh vì không được hưởng bất cứ khoản trợ cấp nào…

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc Hội thừa nhận: gánh nặng chi phí ngày nặng trên đôi vai của nhóm lao động tự do, di cư từ nông thôn lên thành phố. Đa phần đối tượng lao động này không được tiếp cận và  hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Dù Hiến pháp năm 1992 quy định: tất cả mọi người dân đều có quyền được làm việc, được lựa chọn việc làm và lựa chọn học nghề. Nhưng, vấn đề hiện nay là nền kinh tế của chúng ta chưa thể phát triển đến mức độ thu hút được hết lao động.

Lao động tự do: Ốm không dám đi bệnh viện
Gánh nặng mưu sinh đè trên đôi vai những lao động tự do nơi thành thị

Đây chính là nguyên nhân dẫn tới thực trạng lao động tự do không tìm kiếm được việc làm, hết mùa thu hoặch đi  tha phương tìm kiếm việc làm. Đây là một  hạn chế lớn mà chúng ta chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. Bên cạnh đó việc quản lý lao động tự do cũng như những doanh nghiệp sử dụng lao động tự do vẫn còn buông lỏng. Trên thực tế có không ít các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình lợi dụng khe hở này không ký kết hợp đồng lao động, nếu có ký thì không ghi rõ thời hạn nhằm chỉ đóng tiền lương mà trốn các khoản đóng góp khác như BHYT, BHYT, tiền bảo hộ an toàn lao động… Trong khi đó việc quản lý và giám sát của ta còn nhiều kẽ hở dẫn tới hiện tượng một phần lớn lao động tự do đã bị bỏ rơi.

Một trong những biện pháp nhằm hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức là thực hiện BHYT toàn dân. Nhưng  tới nay lao động khu vực phi chính thức đều không tham gia vì cho rằng BHYT không giúp họ giảm đi nhiều gánh nặng từ chi phí về y tế.

Theo ông Lợi, hiện nay tổng lao động của nước ta đạt hơn 54 triệu người, nhưng lao động được điều chỉnh trong quan hệ lao động chỉ khoảng 15 triệu, vẫn còn khoảng hơn 30 triệu chưa được điều chỉnh hoàn toàn trong Bộ Luật lao động. Nói các khác, hiện Luật lao động chỉ điều chỉnh với các nhóm lao động có hợp đồng lao động có quan hệ lao động. Trong khi đó nhóm lao động không được điều chỉnh chiếm số còn lại rất lớn.

Để khắc phục vấn đề này, chuyên gia ngành lao động cũng cho rằng, ngoài việc tạo thêm hành lang pháp lý nhằm bảo vệ và giúp đỡ lao động tự do, Nhà nước hỗ trợ cần khuyến khích tạo điều kiện hơn nữa về đất đai cho doanh nghiệp địa phương để mở rộng sản xuất để thu hút lao động tại chỗ, hạn chế tình trạng di cư từ nông thôn lên thành phố.

 P. Thanh