Lao động tự do làm cắt tóc, phòng gym có được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng?

(Dân trí) - Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, các Sở và UBMTTQVN tỉnh vừa họp bàn về việc hỗ trợ cho lao động tự do theo tinh thần NQ 42/NQ-CP. Nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh trong việc xác định nhóm đối tượng này.

Nhiều thắc mắc trong rà soát lao động tự do tại Huế

Đoàn đã tới làm việc tại UBND phường Vĩ Dạ và phường Phú Hậu (TP Huế) vào chiều 5/5.

Tại cuộc họp, đại diện UBND phường Vỹ Dạ đã báo cáo kết quả thực hiện công tác cấp phát kinh phí hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, nhiều khó khăn đã phát sinh khi rà soát, thống kê nhóm lao động tự do, đối tượng mất việc làm.

Ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ nêu: “Chúng tôi gặp khó trong việc xác định đối tượng “mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến 30/6/2020".

Lao động tự do làm cắt tóc, phòng gym có được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng? - 1

Đại diện UBND phường Vỹ Dạ báo cáo tình hình thực hiện hỗ trợ chi trả cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19

Theo đó, tại Điểm C, khoản 1, Điều 7, Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 có nội dung nêu về nghề “dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.

Qua những trường hợp cụ thể ở phường như trên, ông Phương đề nghị cấp trên có hướng dẫn cụ thể cho địa phương để thực hiện Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tránh xảy ra tình trạng khiếu kiện sau này.

Vậy, quy định có bao gồm các cơ sở như kinh doanh dịch vụ như: Massage, phòng tập gym, câu lạc bộ thể thao, cắt tóc, gội đầu… hay không?

Ông Phương nhấn mạnh cần có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí “tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống” để xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ.

Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ cũng đặt vấn đề, một số người có hộ khẩu thường trú nhưng không sinh sống, làm ăn thực tế tại địa phương thì việc thực hiện kê khai và giải quyết các chính sách sẽ thuộc địa phương nào tiếp nhận?

Lao động tự do làm cắt tóc, phòng gym có được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng? - 2

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh cho biết: “Về cơ bản đã hỗ trợ xong 4 nhóm đối tượng. Ngoài ra còn giám sát chặt chẽ những đối tượng có bị ảnh hưởng thu nhập thực tế do dịch hay không.”

Bên cạnh đó, những trường hợp buôn bán hàng rong trên vỉa hè, lề đường thuộc địa bàn phường thì Ủy ban phường có thể xác nhận họ có buôn bán tại địa phương để về nơi thường trú kê khai được không?

Đại diện Phường đề xuất, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm khi có quyết định hỗ trợ thì sẽ được Bưu điện Tỉnh chi trả. Đồng thời, UBND phường sẽ phối hợp, giải quyết vướng mắc trong quá trình chi trả.

Ông Nguyễn Văn Khiết, Đại diện Sở tài chính, yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tập trung rà soát các đối tượng còn lại để kịp thời hỗ trợ. Các doanh nghiệp sẽ phải kê khai về những người lao động không có hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động kịp thời và chính xác.

Lao động tự do làm cắt tóc, phòng gym có được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng? - 3

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu ý kiến và tổng kết buổi báo cáo tại UBND phường Vỹ Dạ

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu lập tổ công tác ở các tổ dân phố. Tổ này sẽ họp dân, lập danh sách xác nhận các đối tượng thuộc diện hỗ trợ và niêm yết công khai để người dân cùng giám sát. Tổ cũng có trách nhiệm giải quyết khiếu nại.

Phát biểu tổng kết buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu hoan nghênh, biểu dương tinh thần của các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác chi trả hỗ trợ.

Bên cạnh đó, ông Lưu cũng nhấn mạnh, các cấp liên quan cần rà soát lại các nhóm đối tượng lao động tự do để đảm bảo người dân đều được hỗ trợ đầy đủ.

“Đến khi không còn khiếu nại nữa thì xã, phường thống kê, lập danh sách cụ thể gửi lên cấp huyện để chốt, từ đó trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp kinh phí chi trả. Nhóm đối tượng nào đã hoàn thành thì tiến hành chi trả sớm", 

Riêng đối với những đối tượng thống kê khó khăn, ông Lưu yêu cầu UBND xã, phường lập danh sách, HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết riêng của tỉnh đễ hỗ trợ các đối tượng này.

"Tỉnh sẽ có 1 hướng dẫn cụ thể, chi tiết trên địa bàn toản tỉnh để thống nhất thực hiện”, ông Lưu kết luận.

Số lao động đăng ký BHTN tăng đột biến

Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế (Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên Huế), số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp vài tháng qua đã tăng đột biến.

Nguyên nhân chính bởi dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp tại Huế buộc phải ngừng kinh doanh, không trả lương hay chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều nhân viên.

Chỉ riêng trong tháng 4/2020, lượng người lao động đến Trung tâm để làm đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là khoảng 2.000 người.

"Nếu tính cả 4 tháng đầu năm 2020, tỉnh có tổng cộng hơn 3.900 lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số lượng này đã bằng 1/2 kết quả trong năm 2019, với hơn 7.000 người" - ông Nguyễn Duy Thông nói.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Huế, số lao động mất việc làm do dịch Covid-19 chủ yếu thuộc khối dịch vụ du lịch, như nhân viên khách sạn, nhà hàng; tiếp đến là khối giáo dục ngoài công lập như giáo viên mầm non, giáo viên dạy ngoại ngữ…

Đại Dương - Hoàng Hải