1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động cưỡng bức trong ngành dệt may: Nhiều doanh nghiệp đang vi phạm

Ép buộc người lao động làm thêm giờ, đe dọa trừng phạt người lao động… là một trong những dấu hiệu vi phạm cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay không biết mình đang vi phạm.

Công nhân may. Ảnh: Xuân Trường
Công nhân may. Ảnh: Xuân Trường

Nhận diện lao động cưỡng bức

Sáng 31.3, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố bộ tài liệu bao gồm hướng dẫn cho người sử dụng lao động và hướng dẫn cho giảng viên về lao động cưỡng bức (LĐCB) trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam.

Theo TS Chang-Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam - trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc đảm bảo tuân thủ các quyền lao động cơ bản, bao gồm xóa bỏ LĐCB nên là một ưu tiên quan trọng. “LĐCB trước hết là sự vi phạm nhân quyền, đồng thời có thể gây tổn hại cho cả ngành công nghiệp bởi các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam có thể có liên kết trực tiếp với chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn trên thế giới” - TS Chang-Hee Lee cho biết.

Tài liệu hướng dẫn cho người sử dụng lao động về LĐCB trong chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam cung cấp cho người sử dụng lao động những kiến thức: LĐCB là gì và tại sao các DN cần biết về khái niệm này; những khía cạnh pháp lý của LĐCB; những nguyên tắc cơ bản để loại bỏ LĐCB trong hoạt động của DN; người sử dụng lao động cần hành động chống lại LĐCB như thế nào?

Bổ trợ cho hướng dẫn dành cho người sử dụng lao động là cuốn Hướng dẫn cho giảng viên. Sách Hướng dẫn cho giảng viên là công cụ cho các tổ chức, cá nhân tiến hành tập huấn về quản lý nhân lực và các vấn đề tuân thủ trách nhiệm xã hội tại các DN dệt may Việt Nam.

Vô tình vi phạm cưỡng bức lao động

Theo bà Đặng Thanh Hương - Giám đốc Cty CP may Vĩnh Phát - trong ngành dệt may, yêu cầu về thời gian và cường độ làm việc cao hơn các ngành khác. Thực tế, có tình trạng DN dệt may vi phạm LĐCB mà không biết. Ví dụ, khi đơn hàng gấp, chủ DN bắt công nhân làm thêm, kéo dài hơn 1 tháng, làm công nhân mệt mỏi.

Tuy nhiên nếu công nhân phản ứng, chủ DN có thể phạt tiền đối với công nhân và nếu hỏi DN, chắc chắn họ sẽ nói là không cưỡng bức lao động. Bà Hương nói thêm, bên cạnh ban hành bộ tài liệu này, cần có chế tài phạt với DN vi phạm và động viên, khen thưởng với DN làm tốt để tạo ra hiệu ứng lan tỏa.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Marja Paavilainen - Trưởng Cố vấn kỹ thuật Dự án Hành động vì LĐCB tại khu vực Châu Á, thuộc ILO - cho biết, hiện chưa có một nghiên cứu nào về tình trạng cưỡng bức lao động trong ngành dệt may ở Việt Nam, do đó không có một bức tranh tổng thể, không biết rõ được nơi nào thực sự có vấn đề.

Cho rằng việc tiến hành các nghiên cứu là cần thiết, bà Marja Paavilainen nói thêm, thách thức lớn nhất và quan trọng nhất là tăng cường sự bảo vệ toàn diện NLĐ trong ngành dệt may, đảm bảo người sử dụng lao động tuân thủ theo Luật Lao động.

Bà Hồ Thị Kim Ngân - Trưởng phòng Pháp luật - Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) - đánh giá cao bộ tài liệu hướng dẫn này. Bà cho biết: “Hiện nay, khi hỏi đến, chắc chắn một số DN sẽ trả lời là không có LĐCB. Họ cho rằng, NLĐ đều ký HĐLĐ tự nguyện; còn thời giờ làm việc, tiền lương, nội quy khác theo quy định của pháp luật, nội quy của cơ quan”.

Bà Ngân ví dụ, bộ tài liệu hướng dẫn chỉ rõ, trong trường hợp làm thêm giờ, chủ sử dụng lao động phải thỏa thuận với NLĐ, phù hợp với khả năng của NLĐ, chứ không thể ép buộc NLĐ cũng như NLĐ từ chối làm thêm mà bị phạt (sa thải, trừ lương…).

Bà Ngân cho rằng, đây là bộ tài liệu hướng dẫn cho người sử dụng lao động, giảng viên; còn bản thân nhiều NLĐ cũng chưa có nhận thức những hành vi nào của người chủ là LĐCB. Do vậy, bà Ngân đề nghị hỗ trợ bộ tài liệu cho NLĐ và cán bộ CĐ hoặc các cơ quan nhà nước (thanh tra lao động) để họ có thể nhận biết được những hành vi LĐCB và tố cáo tới các cơ quan chức năng xử lý.

Theo Báo Lao động