1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lãng phí lao động “hậu xuất khẩu”

Có nhiều lao động Việt Nam từng ra nước ngoài làm việc, được học tập, huấn luyện nhiều kỹ năng, nhưng nay trở về nước không thể tìm được việc làm. Thực trạng này đang gây ra một sự lãng phí lớn về nguồn lực.

Về nước thất nghiệp

Anh Nguyễn Hiếu Đông (quê Hương Khê, Hà Tĩnh) về nước năm 2015 sau một thời gian đi xuất khẩu lao động. Tại Hàn Quốc, anh từng làm thợ hàn tàu thủy, một lĩnh vực đòi hỏi tay nghề và công nghệ cao. “Khi về nước tôi cũng có xin làm việc tại một số doanh nghiệp Việt Nam về hàn, nhưng lương thấp, công nghệ không cao nên không áp dụng được những kỹ năng tôi đã học”, anh Đông chia sẻ.

Nhóm bạn của anh Đông có nhiều người từng làm việc tại Hàn Quốc trở về nước, đa phần không được làm ngành nghề họ đã từng được làm việc, huấn luyện ở nước ngoài. Nhiều người không tìm được việc làm như mong muốn đã tiếp tục đi xuất khẩu lao động.

Chị Nguyễn Bích Hà (Lâm Thao, Phú Thọ) từng làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử. Về nước từ cuối năm 2015 và đã thử việc một số doanh nghiệp nhưng lương thấp, công việc không phát huy được những kiến thức, kỹ năng đã học, nên chị Hà lại đăng ký tiếp tục đi Nhật.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản được học hỏi rất nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.
Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản được học hỏi rất nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

Trên đây cũng là tình trạng chung của nhiều lao động xuất khẩu trở về nước sau khi hết thời hạn. Theo khảo sát của Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH), các tỉnh thành đều không nắm được số liệu lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước; cũng không có sự tư vấn, hỗ trợ để họ có thể tìm được việc làm ổn định.

Những người lao động này đều phải tự thân vận động, tự tìm việc làm hoặc tự tổ chức đầu tư, sản xuất kinh doanh, hoặc thất nghiệp. Hầu hết họ không phát huy được kỹ năng nghề và trình độ ngoại ngữ tích lũy được sau thời gian làm việc ở nước ngoài.

Tăng kết nối cung cầu

Hàng năm, Việt Nam có khoảng 100.000 người đi xuất khẩu lao động. “Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu lao động mới chú trọng chính sách đưa lao động đi xuất khẩu và chưa có chính sách cụ thể cho việc tái hòa nhập khi trở về để có thể sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm đã học hỏi được từ nước ngoài.

Việc chưa tận dụng được nguồn nhân lực này là một sự lãng phí, vì thực tế có nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nguồn lao động này”, bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lao động và xã hội nhận định.

Khảo sát mới đây từ 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam của Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, có tới 80% doanh nghiệp Nhật Bản đang cần kỹ sư thực hành, 44% doanh nghiệp Nhật Bản đòi hỏi kỹ năng nghề bậc 2, trong khi đa số những lao động đã từng làm việc tại Nhật Bản đều có kỹ năng nghề từ bậc 3 trở lên. Ở quy mô toàn quốc, có tới hơn 70% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là ở khu vực sản xuất, chế tạo.

“Trong khi đó, có khoảng 49% lao động xuất khẩu của Việt Nam làm việc trong khu vực sản xuất chế tạo, được khẳng định về chất lượng tay nghề, tác phong công nghiệp, kỷ luật, ngoại ngữ khá tốt so với trước khi đi xuất khẩu. Do đó, nếu có sự kết nối giữa cung - cầu cho lao động xuất khẩu lao động khi về nước sẽ phát huy được hiệu quả nguồn nhân lực này ”, ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết.

Để có dữ liệu đánh giá về số lao động đi xuất khẩu lao động, hiện Cục quản lý lao động ngoài nước đang triển khai dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài”. “Trong quý II/2016, Cục sẽ tiến hành tập huấn tới các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các sở LĐTBXH. Khi hệ thống dữ liệu này hoàn tất sẽ là cơ sở để cung cấp nguồn “cung” lao động cho các đối tác doanh nghiệp có nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng”, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Việc sớm xây dựng dữ liệu về “nguồn cung” và nguồn “cầu” sẽ giúp kết nối cung cầu lao động và định hướng cho lao động khi đi xuất khẩu lao động; qua đó không chỉ đem lại bài toán kinh tế cao mà còn là giải pháp làm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp khi hết hợp đồng.

Theo Xuân Cường/Baotintuc.vn

http://baotintuc.vn/viec-lam/lang-phi-lao-dong-hau-xuat-khau-20160410223805882.htm