1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo

Làng nghề vàng mã truyền thống đang hối hả chuẩn bị những đơn hàng trước ngày tiễn Táo Quân về trời.

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo - 1

Những ngày cận Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp Âm lịch), làng nghề sản xuất vàng mã truyền thống Phúc Am và Duyên Trường, xã Duyên Thái (Thường Tín, Hà Nội) lại hối hả chuẩn bị những đơn hàng để kịp đưa ra thị trường.

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo - 2

Theo những người dân tại đây, thời điểm giáp Tết âm lịch là lúc bận rộn nhất, vì vừa phải chuẩn bị sản phẩm cho ngày Tết ông Công ông Táo, vừa phải tập trung làm hàng dự trữ để phục vụ lễ khai xuân và giải hạn trong suốt 3 tháng đầu năm mới.

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo - 3

Ông Nguyễn Văn Phi (làng Phúc Am) cho biết, năm nay mặt hàng mũ ông Công, ông Táo đẹp hơn do có thêm nhiều loại giấy ánh kim, phun thêm kim tuyến óng ánh bắt sáng nhưng giá bán sẽ không nhỉnh hơn nhiều so với năm trước. Hiện, cơ sở của ông chỉ sản xuất những bộ mã thuộc dòng cao cấp và mỗi năm đều phải thay đổi mẫu mã để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo - 4

Cá chép trước đây chỉ được làm bằng loại giấy mộc đơn giản đến nay đã được cải tiến mạ vàng, thiết kế bắt mắt.

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo - 5

Cũng theo ông Phi, các mặt hàng mùa Tết thường không chạy đua nhiều như thị trường dịp “tháng cô hồn”. Bởi, lễ cúng ông Công ông Táo vẫn thường như mọi năm bao gồm hia, mũ, cá chép … nhưng lại đòi hỏi chi tiết tỉ mỉ, công phu.

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo - 6

Mỗi bộ mũ ông Công ông Táo đẹp, chất lượng có giá bán buôn từ 80.000 - 200.000 đồng tuỳ theo kích cỡ.

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo - 7

Ông Phùng Văn Vinh - người có kinh nghiệm làm mũ ông Công ông Táo gần 20 năm tại làng Duyên Trường chia sẻ, những sản phẩm hàng mã đều được gia đình làm hoàn toàn thủ công và tất cả các chi tiết đã được chuẩn bị trước từ mùa hè. Vì được làm cầu kỳ và tốn thời gian nên mỗi vụ, gia đình ông chỉ sản xuất được khoảng hơn 500 bộ.

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo - 8

Đặc biệt, các chi tiết trên mũ đều được dán bằng loại hồ làm từ gạo nếp được nghiền ra thành bột, chưng lên rồi cho thêm một chút vôi. Khi dán xong, hồ nếp càng khô, càng dính chắc.

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo - 9

“Nhà tôi chuyên sản xuất theo mẫu cổ, truyền thống, làm bao nhiêu, hết bấy nhiêu. Do số lượng có hạn nên nhiều khi khách muốn mua phải đặt trước vài ngày, thậm chí là cháy hàng” - ông Vinh cho hay.

Làng nghề vàng mã hối hả trước Tết ông Công ông Táo - 10

Hình ảnh Táo Quân - vua Bếp đã trở nên gần gũi với cuộc sống của người Việt từ bao đời nay. Theo tục cổ truyền, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, các gia đình thường chuẩn bị làm lễ cúng tiễn Táo Quân lên chầu trời để báo cáo mọi việc tốt xấu của nhân gian.

Theo Tạ Hải/Báo Giao Thông