Làng gốm cổ nhất Đông Nam Á đứng trước nguy cơ tàn lụi

(Dân trí) - Từng là nơi tạo ra những sản phẩm gốm tinh xảo, độc đáo nhưng làng gốm cổ nhất Đông Nam Á tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đang đứng trước nguy cơ bị mai một vì quá ít nghệ nhân còn bám nghề.

Làng gốm cổ nhất Đông Nam Á đứng trước nguy cơ tàn lụi - 1

Nghệ nhân làm gốm bằng thủ công.

Nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang 10km, làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là một trong hai làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Làng gốm Bàu Trúc khá nổi tiếng, các sản phẩm gốm đều mang đậm nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm.

Bà Sử Thị Dinh (một trong những nghệ nhân gạo cội của Bàu Trúc) khẳng định người khai sáng nghề gốm Chăm ở đây là vợ chồng ông Poklong Chanh. Chí ít cũng hơn 300 năm trước, vợ chồng ông Poklong Chanh đã dạy cho dân làng Bàu Trúc cách lấy đất sét về nắn, nung thành những dụng cụ sinh hoạt như nồi, niêu, chén, tách và một số đồ vật trang trí khác.

“Từ chỗ làm đồ gốm để sử dụng trong gia đình, dần dần, dân làng dùng các sản phẩm này để trao đổi, mua bán. Nghề gốm Chăm Bàu Trúc ra đời từ đó” - bà Sử Thị Dinh cho biết.

Làng gốm hiện có khoảng 400 hộ dân trong đó người làm nghề không còn nhiều nhưng người dân Bàu Trúc vẫn cố gắng duy trì làng nghề cho đến tận hôm nay. Mặc dù đã qua “thời vàng son” nhưng nghề làm gốm ở đây vẫn còn vẹn nguyên nét đặc trưng thuở nào.

Nghệ nhân dùng khăn ướt để tạo thành miệng cho sản phẩm.
Nghệ nhân dùng khăn ướt để tạo thành miệng cho sản phẩm.

Ông Phú Hữu Minh Thuận, giám đốc HTX gốm Bàu Trúc cho biết: “So với các làng nghề gốm khác thì riêng làng nghề gốm Bàu Trúc không dùng bàn xoay, đây là nét đặc thù riêng mà không nơi nào có được, người nghệ nhân phải thổi được hồn vào sản phẩm, lúc buồn sản phẩm sẽ khác, lúc vui sản phẩm sẽ khác”.

Một sản phẩm người nghệ nhân phải trải qua khá nhiều công đoạn, mỗi công đoạn cần thời gian và sự tỉ mẩn khác nhau. Nhiều nghệ nhân nơi đây cho rằng: “làm gốm không khó, cái khó là làm ra gốm mang thương hiệu Bàu Trúc. Gốm Bàu Trúc không lẫn vào đâu được, các sản phẩm làm xong đều mang màu nâu đỏ tự nhiên của đất hoặc đen xám, vệt nâu đầy màu sắc đặc trưng của nền văn hóa Champa".

Đất sét dùng để chế tạo được nghệ nhân ở sông Quao vào một thời điểm nhất định trong năm đem pha trộn hợp lý với cát, nước để tạo ra một hỗn hợp mịn, đặc sánh. Đặc sắc nhất là khâu tạo hình, khác với các làng gốm khác khi dùng bàn xoay tạo hình, ở làng gốm Bàu Trúc người nghệ nhân phải đi vòng quanh bàn, vừa di chuyển vừa tạo hình sản phẩm, mỗi sản phẩm đều được thực hiện thủ công, công phu và đầy tâm huyết. Những bức phù điêu, những vật dụng hàng ngày như chén, đĩa, chum, chậu...đều được tạo ra như thế.

Làng gốm cổ nhất Đông Nam Á đứng trước nguy cơ tàn lụi - 3
Sản phẩm được trang trí bằng những họa tiết độc đáo.
Sản phẩm được trang trí bằng những họa tiết độc đáo.

Các sản phẩm được tạo hình và trang trí hoàn chỉnh được đốt lên bằng rơm rạ, củi khô mà không sử dụng lò nung như những nơi khác. Để làm ra được một sản phẩm mang thương hiệu gốm Chăm Bàu Trúc ngoài việc khéo léo, tỉ mỉ còn đòi hỏi người nghệ nhân phải là người có tâm huyết, yêu và thấm nhuần nét văn hóa Champa.

Làng gốm cổ nhất Đông Nam Á đứng trước nguy cơ tàn lụi - 5
Nung và kiểm tra sản phẩm sau khi nung.
Nung và kiểm tra sản phẩm sau khi nung.

Ngày nay, khi các giá trị văn hóa được đề cao thì làng nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Chăm nơi đây càng cần được lưu giữ và phát triển. Tuy nhiên, gốm Chăm Bàu Trúc vẫn chưa tạo được thương hiệu rõ rệt trên thị trường. Hầu hết các nghệ nhân Bàu Trúc cũng không mấy mặn mà với việc ra Bắc vô Nam để quảng bá sản phẩm, càng không chấp nhận mở rộng cơ sở sản xuất ra bên ngoài. Họ quan niệm đây là nghề truyền thống, phải giữ gìn "bí quyết".

Trung Kiên