Làng có nhiều cái "nhất"

Có nhiều người đỗ đại khoa nhất, có nhiều nghệ nhân nhất, có nhiều tỷ phú nhất, môi trường ít ô nhiễm nhất..., Bát Tràng khiến chúng tôi tò mò, háo hức ghé thăm, phần vì muốn tận mắt chứng kiến về những cái "nhất" đang được ca tụng, một phần là để chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm vốn đã "thơm danh" bấy lâu nay!

Xưa: làng khoa bảng - đất danh hương...

Nằm bên dòng sông Hồng, làng gốm Bát Tràng có tuổi đời hơn 700 năm. Xưa, ngoài nghề làm gốm, làng còn được mệnh danh là "làng khoa bảng - đất danh hương". Ngày nay, Bát Tràng còn nổi tiếng hơn bởi sự trù phú khó nơi nào bằng. Là một trong 1.350 làng nghề truyền thống ở Hà Nội, nhưng Bát Tràng có niềm tự hào riêng vì nằm ở "top" đầu làng nghề cổ truyền không những không bị mai một mà ngày càng phát triển. Nhờ nghề, mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng đã "chảy" về đây.

Sản xuất gốm tại làng nghề Bát Tràng.
Sản xuất gốm tại làng nghề Bát Tràng.

Trưởng làng Bát Tràng - cụ Lê Văn Lợi niềm nở kể chuyện: Làng gốm Bát Tràng được lập sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La với trọng trách phục vụ việc xây dựng thành quách, cung điện, công sở, kho tàng và các công trình tâm linh của kinh đô Thăng Long.

Thế hệ tiền nhân lập ra làng là cư dân vùng Ninh Trường (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay). Từ xa xưa, người dân làng Bát Tràng đã nổi tiếng cả nước không chỉ với nghề truyền thống mà còn với hơn 200 người đỗ các kỳ khoa bảng, trong đó có 9 người đỗ đại khoa, nổi tiếng là: Trạng nguyên Giáp Hải, Tiến sĩ Vương Thì Trung, Tiến sĩ Vũ Văn Tuấn, cử nhân Phạm Văn Bích, cử nhân Trần Lê Nhân…

Cụ Lợi tự hào khoe thêm: Truyền thống khoa bảng của làng được duy trì cho đến ngày nay. Hiện, ở Bát Tràng có hàng nghìn người đỗ đại học, hơn 30 người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ. Người dân Bát Tràng học không chỉ để thi cử, đỗ đạt mà còn mang kiến thức phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Những năm gần đây, các lò gốm đều có những sáng kiến khoa học, cải tiến kỹ thuật, công nghệ áp dụng trong sản xuất và đời sống thực tiễn rất hiệu quả. Nhờ đó, các sản phẩm gốm Bát Tràng liên tục được cải tiến mẫu mã, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng và phục vụ tín ngưỡng của khách hàng trong nước và quốc tế...

Sản phẩm của làng nghề có sức sống ngày càng lớn mạnh bởi có phần đóng góp rất quan trọng của những nghệ nhân. Hiện nay, Bát Tràng đang giữ “danh hiệu” là làng nghề nhiều nghệ nhân nhất cả nước với 75 người được phong Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú; Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, Nghệ nhân Hà Nội. Ngoài ra, làng còn có nhiều thợ giỏi, chuyên nghiệp trong từng quy trình sản xuất và ngày càng được "trẻ hóa"...

Thừa hưởng những giá trị quý báu nên người dân Bát Tràng rất có ý thức bảo vệ, tôn vinh các giá trị văn hóa của cha ông. Vào dịp lễ hội tri ân Tổ nghề hằng năm, những "việc lớn" của làng sẽ được mang ra bàn bạc, nếu nhân dân đồng thuận, họ sẽ đồng thanh reo lên. Và giây phút ấy gọi là “reo thời". Đây chính là một trong những nét quý rất riêng ở Bát Tràng đáng được duy trì, tôn vinh...

Nay: làng tỷ phú - làng xanh, sạch, đẹp

Cùng với sự phát triển của đất nước, Bát Tràng ngày nay có nhiều đổi thay lớn. Kỹ thuật làm nghề được nâng cấp trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm mới có sức lan tỏa mạnh trong và ngoài nước. Trước đây, Bát Tràng là một trong những điểm làng nghề ô nhiễm về khói bụi, khí thải độc hại do lò nung gốm thải ra (bình quân, mỗi ngày cả xã đốt hết khoảng 200-300 tấn than cám).

Không những thế, việc nung đốt bằng than và củi thủ công khiến chất lượng sản phẩm không cao khiến vào đầu những năm 2000 thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các doanh nghiệp loay hoay tìm chỗ đứng cho sản phẩm. "Cái khó ló cái khôn", cùng với quyết tâm không để nghề mai một, 700 lò nung ở Bát Tràng đã cùng nhau tìm cách cải tiến kỹ thuật để "lấy lại phong độ" cho gốm, đồng thời cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Với sự hỗ trợ, hợp tác của dự án PECSME do UNDP/GEF tài trợ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, năm 2001-2002, các chủ lò gốm Bát Tràng đã mạnh dạn chuyển từ lò nung bằng than sang lò nung bằng ga.

Bước đột phá này đã khiến Bát Tràng từ làng nghề mù mịt khói bụi trở thành làng gốm xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ có lợi cho sức khỏe người dân mà còn thu hút rất nhiều khách hàng tìm tới ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, Bát Tràng đón 500-800 khách đến tham quan, mua sắm, trong đó có 100-150 khách quốc tế.

Trải qua hàng nghìn năm, nghề gốm lúc thịnh, lúc suy, song các thế hệ người làng Bát Tràng vẫn đau đáu một niềm gìn giữ nghiệp tổ của cha ông, lò nung ngày đêm đỏ lửa để cho ra những sản phẩm tinh hoa gốm Việt. Sản phẩm của làng chứa đựng đầy đam mê, sức sáng tạo, gửi gắm tình cảm, tinh thần chịu thương chịu khó của người Việt, thể hiện nét văn hóa riêng của làng nghề - đó là hồn gốm Bát Tràng. Giờ đây, gốm Bát Tràng nổi tiếng xa gần về sản phẩm thủ công tinh xảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và thẩm mỹ… Nhiều sản phẩm đã có mặt tại các bảo tàng danh tiếng các nước: Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Gốm Bát Tràng không chỉ mang "danh thơm" cho làng mà còn tạo ra vùng quê tỷ phú với nhiều doanh nhân thành đạt từ nghề. Bà Hà Thị Vinh - một trong những chủ doanh nghiệp lớn mạnh của làng Bát Tràng là một điển hình. Bà tâm sự: Sinh ra trong một gia đình làm gốm truyền thống nhiều đời, ngay từ nhỏ bà đã yêu nghề. Nhờ gốm, bà đã tạo dựng được một doanh nghiệp phát triển bền vững với hai nhà máy sản xuất, tạo việc làm cho 400 lao động. Năm 2012, bà đã được vinh danh Công dân ưu tú của Thủ đô...

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Bát Tràng Lê Đức Phổ nhẩm tính: Năm 2016, tổng doanh số của làng Bát Tràng đạt gần 1.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng trong thời gian qua luôn dao động từ 10 đến 14% mỗi năm. Lương trung bình của thợ kỹ thuật đạt từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/tháng; nhân công làm việc “thổ mộc” ít đòi hỏi kỹ thuật cũng có thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Khái niệm "thất nghiệp" không tồn tại ở Bát Tràng! Sự sung túc, giàu có là cảm nhận của bất kỳ ai khi đặt chân đến đây.

Theo Báo Hà Nội Mới