Làng bánh chưng Tranh Khúc vào xuân

Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh chưng. Bánh làng Tranh bán ở khắp nơi, được đặt trang trọng trên ban thờ, mâm cỗ gia đình người Việt trong các dịp lễ Tết. Nhờ có nghề truyền thống, diện mạo làng Tranh đổi thay từng ngày…


Người dân Tranh Khúc tất bật với nghề gói bánh chưng. 

Người dân Tranh Khúc tất bật với nghề gói bánh chưng. 

Trưởng thôn Lý Thị Thiệp cho biết, làng Tranh Khúc có 281 hộ thì hơn 100 hộ làm nghề và sống bằng nghề truyền thống gói bánh chưng; số hộ còn lại đang phát huy thế mạnh vùng đất bãi nuôi trồng cây con đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Làng Tranh Khúc làm bánh chưng quanh năm cung cấp cho các hàng quán, siêu thị, trường học…

Thời điểm bận rộn nhất của người Tranh Khúc là từ mùng 10 tháng Chạp cho đến 30 Tết. Dịp này, nhiều hộ phải thuê thêm người, sản xuất hàng nghìn chiếc bánh mỗi ngày, như gia đình ông Nguyễn Văn Lạc, Nguyễn Duy Điệp, Nguyễn Hữu Bình... Giải đáp thắc mắc làm thế nào mà luộc được cả nghìn chiếc bánh mỗi đêm, Trưởng thôn Tranh Khúc đưa chúng tôi tới thăm gia đình ông Nguyễn Văn Lạc. Dẫn chúng tôi đi xem hệ thống nồi luộc bánh chưng, ông Lạc giãi bày: May các anh đến buổi sáng, chứ buổi chiều chúng tôi bận lắm. Chục ngày nữa các anh về là chịu không tiếp chuyện được! Khi ấy, thậm chí chỗ cũng không có mà ngồi uống nước.

Trước đây, người làng Tranh luộc bánh bằng nồi đun than, củi, bây giờ đều chuyển sang nồi đun bằng điện và hơi nước. Tuy số vốn đầu tư lớn (khoảng 100 triệu đồng/hệ thống đun hơi) nhưng người làm nghề bớt vất vả và môi trường cũng giảm ô nhiễm. Nồi luộc bánh ở đây được làm bằng inox, giống như những chiếc bể chứa nước, hình vuông.

Nếu đun bằng điện thì đáy nồi đặt thiết bị lò xo làm sôi nước, bên trên là lớp phên kim loại để xếp bánh. Nồi đun bằng hơi khác nồi điện là không có lò xo, sử dụng hơi nước từ lò chủ qua hệ thống ống và van dẫn. Nhà ông Lạc có 3 nồi hơi, 2 nồi điện, sử dụng cả 5 nồi thì mỗi ngày luộc được 2.000 chiếc bánh loại 1kg/chiếc. Hai loại nồi này đều được thiết kế hệ thống cảnh báo an toàn. Dù không nói ra về thu nhập của gia đình từ nghề làm bánh nhưng nhìn vào cách đầu tư hệ thống nồi đun của ông Lạc cũng có thể thấy hiệu quả kinh tế ra sao, số lượng bánh ông làm ra bao nhiêu mỗi ngày.

Theo ông Lạc, để bánh chưng ngon, việc chọn nguyên liệu là rất quan trọng. Gạo phải là nếp cái hoa vàng, nếp nhung; đậu xanh phải là hạt to, chắc mẩy; lá dong bánh tẻ, màu xanh mướt; thịt lợn nuôi bằng bỗng rượu, thịt thơm và lựa phần có mỡ, có nạc; gia vị là nước mắm cốt truyền thống và hạt tiêu sọ… Khi luộc phải đủ giờ, đủ nước bánh mới rền, tỏa hương, nguyên liệu ngấm vào nhau tạo thành vị ngọt, bùi, ngậy...

Theo ông Nguyễn Văn Lạc, bí quyết lớn nhất để bánh chưng làng Tranh vào được siêu thị, trường học, được khách hàng khó tính chốn kinh kỳ chấp nhận là sạch, đậm hương vị, sắc xanh truyền thống… Hiện nay, bánh chưng làng Tranh đều sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, do bạn hàng lâu năm cung cấp tận nhà. "Khách hàng là người cho mình tiền để làm nhà, mua sắm, học hành… Làm hại khách hàng bằng thực phẩm bẩn chẳng khác nào hại chính bản thân và gia đình mình", ông Lạc khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Hồng Đức cho biết, năm nào xã cũng phối hợp với ngành chức năng của huyện và thành phố tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân làng nghề; đồng thời kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất bánh… Do nhận thức của bà con ở đây khá tốt nên chưa cơ sở sản xuất nào vi phạm phải xử lý.

Hiện nay, Tranh Khúc đã được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, được huyện Thanh Trì hỗ trợ các gia đình chi phí mua lò hơi, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm bằng hệ thống bao bì in mã số mã vạch, ép chân không… Xã cũng đã xây dựng đề án phát triển làng nghề Tranh Khúc gắn với an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, kết hợp du lịch.

Theo Báo Hà Nội Mới