1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm việc trên 50 giờ/tuần: Ngành dệt may, thuỷ sản, điện tử và nội thất

(Dân trí) - Lao động ngành thủy sản có số giờ làm việc trong tuần cao nhất với 54,7 giờ, tiếp theo là lao động dệt may, sản xuất điện tử và nội thất đều có thời gian làm việc trong tuần trên 50 giờ. Những ngành này cũng tập trung nhiều doanh nghiệp FDI.

Làm việc trên 50 giờ/tuần: Ngành dệt may, thuỷ sản, điện tử và nội thất - 1

Lao động ngành dệt may có trên 50 giờ làm việc/tuần

Đây là tổng hợp của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) về nội dung thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong giai đoạn 2013-2018. Tổng hợp dựa trên kết quả của điều tra lao động - việc làm năm 2013 và năm 2018 của Tổng cục Thống kê.

Vấn đề này cũng đang thu hút sự tranh luận của nhiều đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 8 khi bàn thảo về quy định giờ làm thêm trong tuần tại Dự thảo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi).

Tổng hợp của ILO cho thấy, đa phần người lao động làm việc 48 giờ mỗi tuần, lần lượt tiếp theo là khoảng 40 và 56 giờ mỗi tuần. Đây là số liệu về thời gian làm việc thực tế trong tuần nên số giờ làm việc này có thể bao gồm cả thời gian làm thêm giờ.

Làm việc trên 50 giờ/tuần: Ngành dệt may, thuỷ sản, điện tử và nội thất - 2

Đối với người làm công hưởng lương, thống kê số giờ làm việc trung bình trong một tuần thông thường nhìn chung không mấy thay đổi: 47.5 giờ vào năm 2013 và 47.44 giờ vào năm 2018.

Mức thống kê cao nhất là 56 giờ làm việc trong tuần, được ILO giải thích là bao gồm 8 giờ làm việc ngoài giờ mỗi tuần.

Về số giờ làm việc trung bình của người lao động theo ngành nghề. Thống kê cho thấy, người lao động trong ngành thủy sản có số giờ làm việc cao nhất với 54,7 giờ/tuần, trong khi đó lao động trong ngành nông nghiệp có số giờ làm việc thấp nhất.

“Có 3,8% người lao động có số giờ làm việc trên 60 giờ mỗi tuần. Hầu hết người lao động có số giờ làm việc từ 40 đến 54 giờ (chiếm 84,5%)” - trích kết quả thống kê của ILO.

Lao động trong các ngành như dệt may, sản xuất điện tử và nội thất có số giờ làm việc khá cao, trên 50 giờ mỗi tuần. Những ngành này cũng tập trung nhiều doanh nghiệp FDI. Ngoại trừ ngành nông nghiệp, tất cả các ngành nghề khác đều có giờ làm việc trung bình trên 44 giờ mỗi tuần.

Về tỷ lệ phần trăm của lao động làm công hưởng lương phân theo giờ làm việc của họ mỗi tuần. Trong năm 2018, có 2% người lao động có số giờ làm việc từ 1 đến 26 giờ, và 3% người lao động làm việc từ 26 đến 34 giờ/tuần.

Cũng theo kết quả thống kê, trên 18 % lao động làm việc 40 giờ mỗi tuần, trong khi 42,4% lao động làm việc từ 41 đến 48 giờ một tuần. Nếu thời gian làm việc hàng tuần theo luật định là 48 giờ được áp dụng thì bất kỳ công việc nào trên 48 giờ một tuần sẽ là công việc có làm thêm giờ.

Trong số những lao động làm việc hơn 48 giờ một tuần, 23,5% làm việc từ 49 đến 54 giờ, trong khi 7,9% người lao động làm việc hơn 54 giờ một tuần. Nếu như thời giờ làm việc bình thường giảm từ 48 xuống 45 thì sẽ có khoảng 37,9% lao động sẽ có thời gian làm thêm giờ

Phân loại về số giờ làm việc trung bình phân theo các loại hình kinh tế

Thống kê của ILO cho thấy, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước có số giờ làm việc thấp nhất, khoảng 42 giờ mỗi tuần. Người lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có số giờ làm việc cao nhất, ở mức 51 giờ.

Phan Minh