1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm việc tại Singapore: Lao động VN cần lưu ý điểm gì?

(Dân trí) - “Pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Do đó, người lao động cần cảnh giác và kiểm tra kỹ các thông tin về tuyển lao động sang Singapore làm việc…”.

Đây là cảnh báo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) về thông tin đi lao động làm việc theo hợp đồng tại Singapore.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Singapore là một trong những thị trường lao động khắt khe trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài muốn được cấp visa làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực.

Làm việc tại Singapore: Lao động VN cần lưu ý điểm gì? - 1

Cảnh báo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, thời gian qua, nhiều website đưa các thông tin đăng tuyển lao động đi làm việc tại Singapore. Hầu hết các trang web này không chính thống hoặc truyền tải thông tin bởi những công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (do Bộ LĐ-TB&XH cấp).

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cung cấp một số thông tin liên quan đến thị trường lao động Singapore.

Loại visa nào dành cho lao động VN

Người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Singapore là những người lao động được cấp một trong 3 loại visa: Work Permit, S Pass và E Pass.

Trong đó, Work Permit - Giấy phép làm việc cho lao động phổ thông làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, hàng hải, chế biến và dịch vụ. Singapore hiện không có quy định về mức lương tối thiểu cho người lao động phổ thông là người nước ngoài.

S Pass (visa S Pass) - Giấy phép làm việc cho lao động có tay nghề bậc trung, lao động kỹ thuật. Mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này từ 2.200 SGD/tháng trở lên (bao gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hàng tháng).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động Việt Nam có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass hoặc E Pass. Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit. Singapore chỉ cấp Work Permit cho phép lao động phổ thông đến từ Malaysia, Hong kong, Macao, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái lan, Bangladesh, Myanmar, Phillipines và Trung Quốc.

E Pass (visa E Pass) - Giấy phép làm việc cho lao động làm các công việc với tư cách như chuyên gia nước ngoài trong các công việc quản lý, điều hành hoặc nghề đặc thù. Mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài trong lĩnh vực này từ 3.300 SGD/tháng trở lên (gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hàng tháng).

Để được cấp S Pass hoặc E Pass sang Singapore làm việc, người lao động Việt Nam phải được chủ sử dụng lao động Singapore bảo lãnh làm các thủ tục pháp lý cần thiết như nộp hồ sơ tại Bộ Nhân lực Singapore để xin thư đồng ý về mặt nguyên tắc (IPA - In Principal Approval).

IPA thường có giá trị từ 2 đến 3 tháng. Người lao động nhập cảnh Singapore trong thời gian được bảo lãnh, sau đó phải hoàn tất các yêu cầu khác theo quy định của Singapore để chính thức được cấp visa S Pass hoặc E Pass.

Giấy phép của doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động và có hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài (được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận) mới được phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Do đó, những lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nói chung và Singapore nói riêng chỉ đăng ký đi tại các doanh nghiệp có Giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH và có đăng ký hợp đồng đi Singapore đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận.

Người lao động có thể tìm hiểu về danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước ( www.dolab.gov.vn ).

Ngoài ra, khi có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có thể tìm tới Sở LĐ-TB&XH tỉnh/thành phố nơi người lao động cư trú để được tư vấn hoặc gọi điện thoại tới đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước (04-38249517 máy lẻ 512, 513) để được tư vấn các thông tin cần thiết để từ đó có thể đi làm việc ở nước ngoài với ngành nghề, thị trường phù hợp theo kênh an toàn, hợp pháp.

Người lao động có thể kiểm tra xem IPA của mình có được cấp không và thời hạn trong bao lâu tại trang web của Bộ Nhân lực Singaporere:http://www.mom.gov.sg.

Hoàng Mạnh