1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lâm Đồng: Bỏ làm kỹ sư về trồng phúc bồn tử thu gần 1 tỷ mỗi năm

(Dân trí) - Từng là kỹ sư điện tại một thành phố lớn nhưng mức lương không đủ trang trải cuộc sống, anh Nguyễn Văn Lưỡng (SN 1988, Lâm Đồng) đã quyết định về quê lập nghiệp. Hiện với hơn 1ha cây phúc bồn tử, anh Nguyễn Văn Lưỡng thu khoảng 900 triệu đồng mỗi năm, giúp kinh tế gia đình vươn lên.

Tốt nghiệp tại Trường CĐ Công Thương TPHCM với ngành điện, mức lương thời đó cũng khá ổn định nhưng vì gia đình có phần khó khăn, công việc không dư giả để giúp đỡ gia đình nên chàng trai 8X Nguyễn Văn Lưỡng đã về quê Lâm Đồng làm nông nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Lưỡng đang chăm sóc vườn phúc bồn tử của gia đình
Anh Nguyễn Văn Lưỡng đang chăm sóc vườn phúc bồn tử của gia đình

Năm 2003, gần nhà anh Lưỡng có công ty đến thuê đất trồng cây phúc bồn tử, sau đó họ thanh lý công ty và chuyển đi chỗ khác. Nhận thấy cây này có giá trị kinh tế cao nên gia đình anh mua giống về trồng thử nghiệm 1.000m2.

Sau khi học xong anh ở lại thành phố làm, nhưng nghĩ thương mẹ ở nhà 1 mình chăm 1.000m2 cây phúc bồn tử vất vả. Phần vì là con của gia đình có truyền thống làm nông, nhà lại neo người, bố mẹ đã già nên năm 2011, anh Lưỡng quyết định bỏ làm kỹ sư điện để về quê phụ mẹ trồng cây phúc bồn tử.

Phúc bồn tử là loại cây khó trồng, phải chăm sóc tỉ mỉ nhưng khi đã trồng thành công thì nó cho thu nhập kinh tế cao
Phúc bồn tử là loại cây khó trồng, phải chăm sóc tỉ mỉ nhưng khi đã trồng thành công thì nó cho thu nhập kinh tế cao

Lúc đầu, gia đình của anh Lưỡng chỉ trồng 1 sào phúc bồn tử nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc, trồng ngoài trời nên sản lượng và chất lượng thấp, khiến đầu ra của sản phẩm khó khăn, thường xuyên bị ép giá. Nhưng khi về vườn tiếp quản vườn cây của gia đình, nhờ cần cù chịu khó, tìm hiểu kỹ thuật nên vườn phúc bồn tử đã cho ra chất lượng sản phẩm cao, có đầu ra ổn định.

Theo anh Lưỡng, cây phúc bồn tử chủ yếu mắc bệnh từ bọ cánh trắng, loài này chích lá và cuống trái khiến trái khi thu hoạch sẽ bị đen. Những trái này phải loại bỏ hoàn toàn. Nếu phát hiện bị bệnh phải xử lý ngay.

Vì là loài cây thân leo và khá mềm nên anh Lưỡng phải lắp hệ thống dây thép làm thành các giàn treo để giữ cây thẳng hàng và không bị đổ. Ngoài ra, vườn phúc bồn tử trang bị hệ thống tưới tự động và tưới nhỏ giọt nên công nhân rất khỏe, chủ yếu là tỉa thân khô và hái quả hàng ngày.

Ngoài phúc bồn tử tươi anh Lưỡng còn đang thử nghiệm làm rượu, mứt phúc bồn tử
Ngoài phúc bồn tử tươi anh Lưỡng còn đang thử nghiệm làm rượu, mứt phúc bồn tử

Sau khi đã tạo thu nhập ổn định từ 1 sào phúc bồn tử ban đầu cộng thêm nắm vững kỹ thuật trồng cây trong tay, anh Lưỡng quyết định mở rộng vườn phúc bồn tử của mình lên 1,2ha. Bước đầu mở rộng vườn cây, anh cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sức trẻ không nản chí, cứ thất bại ở đâu thì tự đứng lên ở đó dần dần vườn cây của anh cũng ổn định.

Anh Nguyễn Văn Lưỡng chia sẻ, ban đầu do mới về làm nông anh chưa nắm được kỹ thuật rồi cách chăm sóc nên sản lượng quả phúc bồn tử không cao, cây hay bị bệnh, quả khá xấu, ảnh hưởng nhiều đến giá bán.

“ Cây phúc bồn tử là loại cây khá khó chăm sóc, cần có kinh nghiệm, kỹ thuật và sự tỉ mỉ khi làm. Sau những lần thất bại, tôi đã lên mạng Internet tìm hiểu tài liệu, học hỏi cách chăm sóc của những người đi trước để biết được cách chăm sóc vườn, dần dần tôi cũng rút ra được kinh nghiệp để chăm sóc vườn phúc bồn tử hợp với khí hậu và cho năng suất cao”, anh Lưỡng chia sẻ thêm.

Vườn phúc bồn tử không những tạo thu nhập cao cho gia đình anh Lưỡng, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương
Vườn phúc bồn tử không những tạo thu nhập cao cho gia đình anh Lưỡng, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương

Hiện với 1,2 ha phúc bồn tử (9.000m2 trồng trong nhà kính, 3.000m2 trồng ngoài trời), mỗi ngày đều hái 2 lần, nếu vào mùa rộ có thể hái 3 lần. Trung bình 1 ngày gia đình anh hái khoảng 50kg quả, với giá từ 220 – 280.000 đồng/kg, thì mỗi ngày anh thu trên 10 triệu đồng từ quả phúc bồn tử. Sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 900 triệu đồng từ các sản phẩm phúc bồn tử mỗi năm.

Việc trồng phúc bồn tử không những tạo thu nhập cao cho gia đình anh Lưỡng, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 9 lao động địa phương và nhiều lao động thời vụ.

Hiện nay, ngoài trồng phúc bồn tử bán trái tươi, anh Lưỡng còn làm một số sản phẩm như rượu phúc bồn tử, đang thử nghiệm làm mứt từ phúc bồn tử.... cũng cho thu nhập cao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của anh chủ yếu: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt … Bên cạnh đó, anh Nguyễn Văn Lưỡng còn cung cấp giống phúc bồn tử cho một số hộ gia đình và bao tiêu sản phẩm cho họ.

Ngọc Hà