Làm ăn với người Nhật, cần để ý điều gì?

“Doanh nghiệp Nhật quan niệm tăng lương là phương án nhất thời để giữ chân nguồn nhân lực. Thay vì tăng lương đột biến, doanh nghiệp sẽ đầu từ hỗ trợ các chính sách đào tạo cho nhân viên. Chúng tôi còn quan tâm tới việc đúng giờ, sự tín nhiệm, trung thực và gắn bó lâu dài của ứng viên…”


Hội chợ việc làm Japanworks thu hút nhiều ứng viên giỏi tiếng Nhật.

Hội chợ việc làm Japanworks thu hút nhiều ứng viên giỏi tiếng Nhật.

Ông Gaku Echizenya - Tổng Giám đốc Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group Việt Nam (sở hữu trang web tuyển dụng VietnamWorks và công ty tìm kiếm nhân sự cấp trung, cấp cao Navigos Search) - bật mí về những kinh nghiệm làm việc tại môi trường làm việc của doanh nghiệp Nhật Bản.

Vài năm gần đây, doanh nghiệp Nhật bản có xu hướng đầu tư nhiều tại VN, vậy theo ông, nhân sự cấp trung và cao cấp trong những ngành nghề gì sẽ được các doanh nghiệp Nhật Bản tuyển dụng?

Trong lĩnh vực nhân sự cấp trung, mảng CNTT và lập trình web vẫn luôn dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt là các vị trí quản lý dự án và kỹ sư cầu nối. Đáng nói hơn, những ứng viên có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật đang ngày càng khan hiếm.

“Ở tương lai gần, nhân sự người Việt sẽ có cơ hội nhiều hơn cho các vị trí cấp trung và cấp cao tại công ty Nhật, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, chế biến nông sản, thủy sản; môi trường và tiết kiệm năng lượng; máy nông nghiệp; đóng tàu; công nghiệp và phụ tùng ô tô” - ông Gaku Echizenya nói.

Với nhân sự cấp cao, nhu cầu tuyển dụng người Việt ít hơn. Do những vị trí này người Nhật vẫn đang đảm nhiệm là chủ yếu. Ngành công nghiệp sản xuất đang dẫn đầu về nhu cầu trong tuyển dụng nhân sự cấp cao, đặc biệt là những công ty đã thành lập hơn 5 năm tại Việt Nam.

Nhiều nhân sự làm việc tại Nhật Bản nhận xét, các doanh nghiệp Nhật Bản ít chấp nhận việc tăng lương đột biến, thay vào đó là ưu tiên tính bền vững và ổn định trong đãi ngộ nhân sự. Chế độ đãi ngộ càng tăng theo thời gian làm việc tại doanh nghiệp. Ông có ý kiến gì về điều này?

Điều này đúng ở Nhật Bản. Tuy nhiên tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp Nhật cũng phải thay đổi để thu hút ứng viên trong các lĩnh vực đang khan hiếm. Đơn cử như ngành IT. Doanh nghiệp Nhật sẵn sàng trả lương cao và đề nghị các chính sách thưởng hấp dẫn để cạnh tranh với các doanh nghiệp Mỹ hoặc châu Âu.

Người Nhật quan niệm, tăng lương chỉ là phương án nhất thời để giữ chân nguồn nhân lực và nhân viên phải đạt đủ khả năng mới được thăng tiến.

Trong công việc người Nhật khá cầu toàn về kết quả nhưng lại thích sự tối giản hóa trong trình bày. Hiệu quả công việc được đánh giá dựa theo lượng thông tin được cung cấp càng nhiều càng tốt, các tài liệu báo cáo nên được trình bày theo định dạng khuôn mẫu.

Thay vì tăng lương đột biến, doanh nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ các chính sách đào tạo cho nhân viên. Việc bổ sung kiến thức và kỹ năng là sự đầu tư có lợi nhuận lâu dài. Thực hiện theo đúng lộ trình phát triển sự nghiệp cho mỗi nhân viên sẽ giúp các nhân lực có lý do ở lại công ty lâu hơn.

Các chính sách phát triển nhân lực được áp dụng và khuyến khích cho bất kỳ ai, không riêng gì những nhân sự làm việc lâu năm.

Ví dụ như nhân viên người Việt khi mới làm việc tại doanh nghiệp Nhật thường được chu cấp kinh phí để học tiếng Nhật, khi lấy được bằng cấp họ sẽ nhận được thêm các khoản trợ cấp khác.

Làm ăn với người Nhật, cần để ý điều gì? - 2

Ông Gaku Echizenya - Tổng Giám đốc Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group VN

Ứng viên cấp trung và cao cấp nhận xét, doanh nghiệp Nhật Bản thường “kỹ tính” trong việc chọn nhân sự cũng như đối tác. Nhưng khi đã chọn rồi thì khá “chung tình”, theo ông điều này có đúng không?

Tôi đồng ý với điều này! Người Nhật rất chú trọng đến chi tiết và khá cầu toàn nên trong việc chọn nhận sự và đối tác cũng tốn khá nhiều thời gian so với doanh nghiệp khác.

Ông Gaku Echizenya lưu ý: “Điểm khác biệt duy nhất và được đặt lên hàng đầu tại doanh nghiệp Nhật Bản chính là sự tín nhiệm. Người Nhật làm việc dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Có thể nói, khi người Nhật đã đặt lòng tin vào mối quan hệ nào đó bất kể trong công việc hoặc cuộc sống thì họ sẽ tuyệt đối tín nhiệm lâu dài”.

Doanh nghiệp Nhật Bản quan niệm tất cả các mối quan hệ trong công việc phải là lâu dài nên chọn lọc rất kỹ càng. Nhưng một khi đã được lựa chọn được ứng viên và đối tác phù hợp thì mối quan hệ đó được họ xây dựng trên cơ sở bền vững và sự tín nhiệm.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam thông thường chỉ có 2 vòng phỏng vấn tuyển dụng nhân sự thì tại doanh nghiệp Nhật chúng tôi thường có 4 hoặc 5 vòng phỏng vấn đối với ứng viên.

Làm việc trong môi trường doanh nghiệp Nhật Bản, ứng viên cần lưu ý thêm những điểm chính gì so với môi trường của các doanh nghiệp khác?

Yếu tố quan trọng nhất mà người Nhật luôn đề cao chính là việc quản lý thời gian. Khi làm việc trong môi trường doanh nghiệp Nhật, ứng viên phải thực hành lên thời gian biểu rõ ràng và đặc biệt là luôn đúng giờ.

Người Nhật rất quan trọng việc chuẩn bị kỹ càng trước mỗi cuộc họp, sự kiện nên ứng viên phải học cách luôn có sự chuẩn bị tốt nhất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lịch họp cần được thông báo ít nhất là trước một ngày trước khi diễn ra. Vì những người tham dự cũng cần có sự chuẩn bị trước cuộc họp.

Văn hóa Nhật luôn đề cao sự tôn trọng lẫn nhau, nên khi làm việc cùng người Nhật phải rất cẩn trọng về giờ giấc. Họ rất ngại làm phiền hoặc bị làm phiền làm gián đoạn công việc đang dở dang của đồng nghiệp hoặc cấp trên. Tuy nhiên, khi có thời gian họ rất vui lòng trả lời các câu hỏi giúp bạn hiểu rõ vấn đề để thực hiện công việc tốt hơn.

Dành sự tôn trọng cấp trên cũng là một điều đáng chú ý trong văn hóa làm việc của người Nhật, cũng tương tự như văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, họ cũng rất coi trọng sự kiên nhẫn và lòng trung thành. Nếu bạn nhảy việc mỗi năm họ sẽ đánh giá bạn chưa đủ kinh nghiệm. Ít nhất phải 3 năm làm việc tại một công ty mới có thể tiếp nhận đủ kỹ năng cần thiết. Tại những doanh nghiệp Nhật Bản có văn hóa truyền thống, thậm chí họ không chấp nhận các ứng viên nhảy việc.

“Giao tiếp” - yếu tố sống còn với ứng viên trung và cao cấp

Theo ông Gaku Echizenya, ứng viên cấp trung và cấp cao người Việt khi làm việc trong môi trường doanh nghiệp Nhật Bản cần lưu ý yếu tố “giao tiếp”. Không chỉ đơn giản là giao tiếp xã giao mà hãy thường xuyên chủ động thảo luận với cấp trên nhiều hơn về công việc. Điều này không chỉ giúp xây dựng lòng tin của cấp trên mà còn giúp bạn dễ dàng đạt được thành công trong công việc.

Nếu giao tiếp thường xuyên với sếp, bạn sẽ nắm bắt được mong đợi của họ về bản kế hoạch như thế nào và hoàn thành nó thật chỉn chu đúng ý cấp trên thay vì phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Ngoài ra, trong văn hóa công ty Nhật, cấp trên thường mong đợi cấp dưới sẽ chủ động tiếp cận họ trong mọi việc, thay vì chờ đợi họ chủ động đặt vấn đề.

Xin cảm ơn ông.

Hằng Mai thực hiện