1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kỹ sư “đốt bằng” mở thư viện sách miễn phí

(Dân trí) - "Bằng đại học chỉ là tờ giấy chứng nhận. Học đại học không phải là kiếm bằng mà là kiếm nghề. Thời gian học đại học là lúc để các bạn học lấy một nghề, tích lũy kiến thức, tu dưỡng đạo đức chứ không chỉ chăm chăm giật lấy cái bằng, bằng mọi giá".

Phát ngôn sốc!

Nhìn vẻ thong thả của anh Hoàng Xuân Hiến tại thư viện sách của mình, ít ai nghĩ anh là người từng có phát ngôn gây sốc đến như vậy.

Cách đây ít lâu, anh Hiến tuyên bố trên mạng xã hội facebook như sau: “Tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều sinh viên, đa phần khi tôi hỏi em thích ra trường làm gì hoặc đam mê của em là gì họ đều không có câu trả lời, hoặc trả lời rất mông lung".

Xuân Hiến trong một cuộc điền dã đi tìm trà ở Tây Bắc.
Xuân Hiến trong một cuộc điền dã đi tìm trà ở Tây Bắc.

"Thực tế cho thấy, đa phần sinh viên hiện nay ra trường không biết làm gì. Một số chọn đi học...thạc sĩ, tiến sĩ... Thế nên số thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam mới khủng khiếp nhất thế giới!"

"Tôi muốn chứng minh rằng, bằng đại học chỉ là tờ giấy, mục đích của việc học đại học không phải là kiếm bằng mà là kiếm nghề. Thời gian học đại học là thời gian để các bạn học lấy một cái nghề, tích lũy kiến thức, tu dưỡng đạo đức chứ không phải chỉ chăm chăm giật lấy cái bằng, bằng mọi giá!”

Những lời này nhận được hàng nghìn “like” và gây ra tranh cãi về chuyện đúng - sai, nên - không nên suốt một thời gian dài.

Khi tuyên bố “đốt bằng”, Hiến chỉ có một động cơ duy nhất: “Tôi muốn chứng minh rằng, bằng Đại học chỉ là tờ giấy, mục đích của việc học Đại học không phải là kiếm bằng mà là kiếm nghề”. Anh nói: “Nhiều bạn trẻ đã lãng phí đời thời gian của mình, tiền bạc của bố mẹ để theo học thứ mình không thích, không muốn”.

“Nếu bạn thích Ngành Y, năm nay trượt, sang năm thi lại, thi bao giờ đỗ thì thôi. Hoặc thi ở Việt Nam khó quá thì ra nước ngoài thi có thể dễ hơn. Nếu bạn thích trồng trọt, chăn nuôi thì đừng đi học Giao thông, Xây dựng làm gì...”.

Một cuộc trao đổi về hướng nghiệp tại thư viện của Xuân Hiến.
Một cuộc trao đổi về hướng nghiệp tại thư viện của Xuân Hiến.

Xuân Hiến sinh ra ở đồng đất của Xứ Đông. Anh kể: “Quê tôi toàn nông dân. Người ta thích người có học, thích con cái vào làm nhà nước. Mà đã làm là phải là bác sĩ, kỹ sư mới “oách”. Cũng theo cái nếp ấy, tôi thi Đại học Bách khoa, tốt nghiệp là kỹ sư chế tạo máy”.

“Làm việc một thời gian, tôi phát hiện ra mình thích công việc khác hơn. Và tôi đi học làm trà. Bây giờ tôi là người bán trà”.

Bỏ nghề, bán trà, mở thư viện miễn phí

Anh Hiến nói, sau khi nhận bằng kỹ sư cơ khí, “tôi chưa làm một giờ kỹ thuật nào cả”. Anh tham gia vào rất nhiều công việc trước khi dừng lại ở việc làm trà và bán trà.

Hiện tại, anh Hiến đang ở cùng vợ và con gái tại một căn chung cư cũ, nơi đồng thời là thư viện sách miễn phí cho tất cả mọi người đến uống trà vào đọc sách.

Từ khoảng nửa năm nay, thư viện Tường Vân là nơi thường xuyên lui tới của nhiều nhóm học tập, nhóm đọc sách, nhóm thiện nguyện.
Từ khoảng nửa năm nay, thư viện Tường Vân là nơi thường xuyên lui tới của nhiều nhóm học tập, nhóm đọc sách, nhóm thiện nguyện.

Thư viện của anh cũng có Fanpage riêng và Xuân Hiến dành phần lớn không gian, thời gian cho các nhóm thiện nguyện.

Hiến nói: “Tôi cũng từng tham gia làm thiện nguyện và phát hiện ra, hầu hết các nhóm nhỏ, tự phát đều bị “bí” nơi sinh hoạt. Tôi quyết định dành không gian này cho các nhóm thiện nguyện. Bất kì ai đến đây cũng có thể được tự do sử dụng không gian, dùng wifi, uống trà và dùng máy chiếu tôi cũng có sẵn, hoàn toàn không thu phí. Tôi nghĩ đây cũng là một cách để tôi làm việc thiện”.

“Chỉ tiếc một điều là do điều kiện cá nhân, thư viện của tôi chỉ có thể đón tiếp những nhóm nhỏ, nhóm nào trên 30 người thì sẽ bất tiện vì hơi chật chội”.

“Tôi cũng sẵn sàng cho mượn sách miễn phí” chỉ với một điều kiện “tôi được trò chuyện với người mượn sách”.

Đúng như Hiến đã nói, dù có bằng kỹ sư nhưng “chưa một giờ làm kỹ thuật”. Hàng ngày, anh đưa vợ đi làm, đưa con đi học, làm trà và bán trà, dành thời gian xếp lịch cho các nhóm thiện nguyện và trò chuyện với những bạn trẻ đến đây đọc sách.

“Hàng ngày, có rất nhiều bạn đến đây. Trò chuyện với các bạn, tôi nhận ra một điều, hầu hết các bạn đều đang rất hoang mang về chuyện học gì, làm gì. Họ cũng như tôi trước đây. Và tôi muốn truyền cảm hứng cho họ để họ biết mình muốn gì, thấy cần gì, dám sống và lao động cho niềm yêu thích và ước mơ của mình”.

Hoàng Lan