“Kỷ luật sinh viên chưa đóng BHYT chỉ mang tính hành chính”

(Dân trí) - “Trong nhóm đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT bắt buộc, Bảo hiểm xã hội VN thống kê có khoảng 86 % đã tham gia, chỉ còn 14 % chưa tham gia BHYT, trong đó có tới 10 % là sinh viên năm thứ 2 trở đi. ”

“Kỷ luật sinh viên chưa đóng BHYT chỉ mang tính hành chính” - 1

Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN) trao đổi với PV Dân trí liên quan tới việc một số trường đại học đang áp dụng việc từ điểm rèn luyện hoặc cảnh cáo sinh viên chưa đóng BHYT bắt buộc. Theo đó, việc thực hiện này chỉ tính tính hành chính nội bộ.

Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi năm 2014, đối tượng học sinh, sinh viên thuộc nhóm tham gia BHYT bắt buộc. Nhóm đối tượng học sinh, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham gia BHYT.

Phân tích về chế tài pháp lý xử lý việc không đóng BHYT, ông Phạm Lương Sơn cho biết: Chế tài có tính pháp lý chủ yếu là yêu cầu nộp và truy thu số tiền chậm hoặc trốn đóng BHYT. Đây là quy định trong Nghị định 88/2015/NĐ-CP và Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

Trường hợp xử lý hành chính thuộc về thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Tại các nhà trường, ban giám hiệu đã cụ thể hóa việc đóng BHYT vào trong quy chế, yêu cầu học sinh sinh viên tham gia thì đó là bắt buộc.

Từ 1/3, tăng giá hơn 1.800 dịch vụ y tế

Đây là nội dung thông tư được Bộ Y tế - Tài chính vừa ban hành nhằm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Theo đó các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ cùng áp dụng một mức giá chung cho các dịch vụ kỹ thuật; giá khám bệnh. Thông tư cũng đưa ra 2 lộ trình thực hiện cụ thể: Từ ngày 1/3, mức giá dịch vụ y tế sẽ gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù; Từ ngày 1/7, mức giá dịch vụ y tế sẽ bao gồm cả tiền lương. Trước mắt, việc tăng giá dịch vụ y tế chỉ áp dụng cho các đối tượng đang hưởng BHYT. Tuy nhiên, giá dịch vụ tăng sẽ được tính vào chi phí do BHYT chi trả nên người tham gia BHYT sẽ không phải trả thêm khoản phí nào.

“Nếu học sinh, sinh viên cố tình không tham gia thì thuộc thẩm quyền xử lý hành chính của nhà trường, thông qua nhiều hình thức riêng như: Hạ điểm rèn luyện, cảnh cáo, kỷ luật, phê bình trước toàn trường…Đây là việc nội bộ của nhà trường. Trước đây, có trường hợp nhà trường ở TP Đà Nẵng không cho học sinh dự thi vì chưa đóng BHYT là sai” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Chỉ trong trường hợp nhà trường đưa ra những hành vi vượt quá thẩm quyền xử lý hành chính thì mới có thể coi là vi phạm pháp luật.

Theo BHXH VN, trong nhóm đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT bắt buộc, BHXH VN thống kê có khoảng 86 % đã tham gia. Còn 14 % chưa tham gia BHYT, trong đó có tới 10 % là sinh viên. Đặc biệt là sinh viên các trường cao đẳng, đại học từ năm thứ 2 trở lên.

“Lên tới năm học thứ 2, nhiều em sinh viên về cơ bản đã có sự độc lập tối thiểu. Các em có thể chỉ xin tiền gia đình với lý do đóng khoản này khoản kia, nhưng việc có đóng hay không thì còn tùy sự chủ động của các em” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Ông Phạm Lương Sơn thừa nhận, đa số các sinh viên ở độ tuổi này đều có tâm lý cho rằng sức khỏe của mình rất tốt và ít phải dùng tới thẻ BHYT. “Tuy nhiên, cuộc sống không thể nói trước được. Việc tham gia BHYT chỉ để phòng cho những trường hợp rủi ro, ốm đau, tai nạn xảy. Lúc đó, nguồn kinh phí hỗ trợ từ BHYT sẽ giúp gia đình các em một phần tiền viện phí và thuốc men”.

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

Từ chối thanh toán 100 tỷ đồng viện phí cho các bệnh viện ở TP.HCM

Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa từ chối thanh toán viện phí cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Số tiền lên tới 100 tỷ đồng. Đây là thông tin được lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Thành phố cho biết. Nguyên nhân của việc từ chối thanh toán là BHXH TP HCM phát hiện nhiều khoản không thuộc danh mục thanh toán của BHYT. Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế lại cho rằng, hiện có quá nhiều hạng mục không được thanh toán, BHYT chưa phát huy được hết ý nghĩa và không khuyến khích được người dân tham gia. Trong năm 2016, Quỹ BHYT TP.HCM thu hơn 45.000 tỷ đồng. Sau khi thanh toán, quỹ còn dư khoảng 600 tỷ đồng.

V.T

Hỗ trợ HSSV bị tai nạn lao động trong thời gian thực hành

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó có đề xuất quy định việc hỗ trợ của cơ sở đào tạo đối với học sinh, sinh viên trong thời gian thực hành bị tai nạn lao động.

Theo dự thảo, học sinh, sinh viên trong thời gian thực hành bị tai nạn lao động thì cơ sở đào tạo có trách nhiệm: Tạm ứng và thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với học sinh, sinh viên không tham gia bảo hiểm y tế. Cơ sở đào tạo hỗ trợ bằng tiền cho học sinh, sinh viên bị tai nạn lao động với mức như sau: Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% mức suy giảm khả năng lao động được hỗ trợ thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%. Ít nhất bằng 12 tháng tiền lương cho học sinh, sinh viên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân học sinh, sinh viên bị chết do tai nạn lao động.

C.T

Lao động tự do tiếp cận với bảo hiểm tự nguyện: Không dễ

Theo khảo sát của Viện phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), mới công bố trong tháng 1 cho thấy, có tới 91% người bán hàng rong chưa từng biết đến các quy định của Bộ Luật Lao động, đặc biệt có tới 91,4% chưa biết đến BHXH.

Nhóm đối tượng được khảo sát là lao động tự do như kinh doanh nhỏ, bảo vệ, xe ôm… Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, muốn thu hút nhóm lao động tự do tham gia chính sách bảo hiểm tự nguyện, cần phải có cách tuyên truyền đặc thù để giúp họ có thể hiểu về chính sách BHXH tự nguyện. Đặc biệt, việc tuyên truyền không nên chung chung như hiện nay. “Họ cần phải có chính sách tuyên truyền riêng, cần những nội dung riêng, những gì thiết thực với họ hơn, thay vì chúng ta có những thông điệp, khẩu hiệu hay thông tin chung chung với tất cả những đối tượng khác” - bà Nguyễn Thu Giang nhấn mạnh. Theo BHXH VN, khoảng 0,6% số lượng người lao động trong khu vực phi chính thức đóng BHXH tự nguyện, tính tới hết quý 2/2015.

P.L