1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kiếm nửa triệu đồng mỗi ngày từ nghề bắt cua đồng

(Dân trí) - Giá cua đồng tăng cao nên nhiều người dân ở Kim Sơn (Ninh Bình) đổ xô đi bắt cua đồng bán. Không phải đầu tư nhiều kinh phí, mỗi ngày có nông dân kiếm được nửa triệu đồng là chuyện thường.

Thời gian gần đây, giá cua đồng tại Ninh Bình và nhiều nơi liên tục tăng cao do nhu cầu sử dụng làm thực phẩm nhiều. Cua đồng có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, ăn hợp trong mùa hè oi bức như: canh cua, cua đồng rang me, bún riêu cua…

Đi săn cua đồng là nghề truyền thống, cho thu nhập cao đối với nhiều hộ dân ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình.
Đi săn cua đồng là nghề truyền thống, cho thu nhập cao đối với nhiều hộ dân ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình.

Theo đó, giá cua đồng tại Ninh Bình luôn giao động từ 70.000 đồng - 80.000 đồng/kg. Có thời điểm khan hiếm, giá cua lên đến 100.000 đồng. Vì thế, nhiều người tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã đổ xô đi bắt cua đồng đem bán.

Là vùng có nhiều khu vực sông, kênh, ao hồ nên ở huyện Kim Sơn có rất nhiều cua đồng. Cua ở vùng đất này béo, chắc, nhiều gạch nên thường được nhiều khách hàng ưa chuộng. Cũng vì thế mà từ xưa ở Kim Sơn đã có nghề bắt cua đồng truyền thống.

Anh Đinh Văn Hạnh, xã Đồng Hướng cho hay, nghề bắt cua đồng thường diễn ra từ khoảng tháng 4 đến hết tháng 10. Đây là thời điểm cua đồng sinh sôi nảy nở nhiều, việc đi săn bắt cũng thuận tiện và được nhiều hơn.

Công việc của những người đi săn cua thường diễn ra vào các buổi sáng. Anh Hạnh lý giải: “Cua sống trong môi trường tự nhiên thường ở nhiều trong các đồng ruộng, kênh mương và ao hồ. Chúng sống ở tầng đáy, vào buổi sáng thường ngoi lên mặt nước để thở ô xy. Nắm được đặc tính này nên người đi săn cũng lợi dụng để bắt cua”.

Dụng cụ bắt cua đơn giản, chỉ cần một chiếc rổ lớn đan bằng tre sau đi đến các kênh mương để hớt cua nằm dưới các lớp bèo tây.
Dụng cụ bắt cua đơn giản, chỉ cần một chiếc rổ lớn đan bằng tre sau đi đến các kênh mương để hớt cua nằm dưới các lớp bèo tây.

Dụng cụ để bắt cua rất đơn giản và không cần đầu tư nhiều. Người thợ chỉ cần dùng một chiếc rổ lớn đan bằng tre hớt vào các chỗ có bèo tây hay cỏ dại, sau đó giũ thật mạnh để cua rơi vào rổ rồi bắt. Cứ như vậy, mỗi buổi sáng những người săn cua bắt được từ 2 – 5kg, nhiều người bắt giỏi thì được nhiều hơn.

Với giá cua trung bình như trên, thì những người thợ săn cua dễ dàng bỏ búi từ 300 – 500 nghìn đồng mỗi ngày là chuyện bình thường. Anh Nguyễn Văn Thường (37 tuổi) chia sẻ: “Đi bắt cua không tốn nhiều thời gian và công sức. Mùa đi bắt cua lại vào lúc nông nhàn nên nhờ nghề này mà nhiều người có thêm được tiền chi phí cho sinh hoạt của gia đình”. Ngày được ít anh Thường cũng kiếm được trên 200 nghìn đồng, ngày nhiều thì 400 – 500 nghìn.

Hơn 30 năm đi săn bắt cua đồng, ông Phạm Văn Tập (55 tuổi) xã Kim Tân được biết đến là một trong những người kỳ cựu và có tay nghề cao trong vùng. Ông bảo, săn cua đồng thì có rất nhiều cách, phổ biến nhất ở đây là hớt cua. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn mua một chiếc rổ tre có đường kính khoảng hơn 1,5m là có thể hành nghề và kiếm ăn được rồi.

Giá cua đồng tăng cao, người đi săn cua ở Kim Sơn kiếm được nửa triệu đồng một ngày là chuyện thường.
Giá cua đồng tăng cao, người đi săn cua ở Kim Sơn kiếm được nửa triệu đồng một ngày là chuyện thường.

“Những năm trước cua nhiều, giá rẻ nên làm nghề này cũng không ăn thua. Giờ cứ đến mùa hè nhiều người thích ăn cua đồng hơn nên nghề này cũng cho thu nhập khá. Đi làm mà tiết kiệm thì cũng chẳng thua kém nghề nào, nhưng phải chịu khó lội xuống kênh mương, chịu bẩn một tý”, lão nông nói.

Cũng theo người thợ 55 tuổi, giờ cua đắt, có giá nên cũng không lo đầu ra. Bắt được bao nhiêu lên đến bờ là có thương lái thu mua luôn. Hoặc người ta đến tận nhà lấy hàng. “Làm nghề là vậy nhưng giờ gia đình có muốn ăn bữa canh cua cũng khó ấy chứ. Cua vừa đắt hàng lại hiếm, bán đi giá đắt đổi lại mua được nhiều thứ khác”, ông Tập cười nói.

Bà Tân, thương lái chuyên thu mua cua ở Kim Sơn cho hay, những tháng hè này nhu cầu tiêu thụ cua tăng mạnh. Có thời điểm bà nhập vào hàng tạ nhưng cũng không đủ cung cấp cho thị trường. Cua đồng ở Kim Sơn chủ yếu đem bán ở thành phố Ninh Bình và nhập ra Hà Nội. “Cua đồng giá đắt hơn cua nuôi nhưng nhiều người vẫn chọn ăn vì đây là thực phẩm sạch, rất tốt cho sức khỏe”.

Nhờ nghề săn cua đồng, nhiều hộ dân ở Kim Sơn, Ninh Bình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nhờ nghề săn cua đồng, nhiều hộ dân ở Kim Sơn, Ninh Bình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nhờ nghề săn bắt cua đồng, cuộc sống của nhiều thợ săn bắt cua ở Kim Sơn ổn định, cho thu nhập cao để trang trải cho đời sống gia đình. Những người đi bắt bình thường, kiếm được 1 – 2kg cũng đủ “đồng ra đồng vào” hàng ngày trong gia đình.

Văn Phạm - Thái Bá