Không đủ điều kiện nghỉ hưu có được trợ cấp khi thôi việc?

Bà Trần Thị Xuân Mai (Bình Dương) làm việc theo hợp đồng lao động tại đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 1/12/1995. Đến ngày 30/6/2013, bà đủ 55 tuổi, đơn vị đã ra quyết định nghỉ việc đối với bà. Tính đến thời điểm nghỉ việc, bà đã đóng BHXH bắt buộc được 17 năm 5 tháng.

Bà Mai chưa đủ 20 năm đóng BHXH nên không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, đơn vị nơi bà làm việc cũng không chi trả trợ cấp thôi việc cho bà. Bà Mai hỏi, để được trả trợ cấp thôi việc bà cần làm thế nào?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Mai hỏi như sau:

Vào thời điểm bà Trần Thị Xuân Mai chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với đơn vị sự nghiệp công lập (ngày 30/6/2013) áp dụng quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 (có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013).

Theo Khoản 1, Điều 48 Bộ luật Lao động, khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Theo đó, chỉ có 2 trường hợp nêu ở Khoản 4 và Khoản 8 Điều 36 Bộ luật Lao động là, trường hợp người lao động chấm dứt HĐLĐ khi có đủ 2 điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 và trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại Khoản 3, Điều 125 của Bộ luật này thì không được hưởng trợ cấp thôi việc.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp bà Mai, là người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn tại đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 1/12/1995, đến ngày 30/6/2013 khi bà đủ 55 tuổi, đơn vị đã ra quyết định nghỉ việc đối với bà. Mặc dù bà Mai đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH, nên bà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Trường hợp bà Mai được hưởng trợ cấp thôi việc.

Đơn vị sự nghiệp công lập nơi bà Mai làm việc có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bà theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian bà Mai đã làm việc thực tế cho đơn vị trừ đi thời gian bà Mai đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2009 cho đến khi nghỉ việc.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi bà Mai nghỉ việc.

Nếu khi nghỉ việc bà Mai chưa được nhận trợ cấp thôi việc, bà có thể làm đơn đề nghị người đứng đầu đơn vị sự nghiệp yêu cầu đơn vị chi trả.

Trường hợp xảy ra tranh chấp lao động cá nhân

Trường hợp đơn vị không chịu chi trả trợ cấp thôi việc, bà Mai có thể yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện việc hòa giải tranh chấp, hoặc không cần thông qua thủ tục hòa giải, khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Lao động, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 6 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.