Khởi nghiệp từ trồng sen

Đó là câu chuyện về chàng trai Lã Xuân Khánh (thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) với mong muốn phát triển kinh tế nhờ trồng hoa sen. Dù vẫn còn đang ngồi trên ghế giảng đường, thế nhưng Khánh đã cùng cha mẹ triển khai trồng hơn 50 hecta hoa sen các loại, đưa lại hiệu quả kinh tế lớn cho gia đình.

Những bước đi đầu tiên

Nếu như trước đây, nhắc đến Mê Linh là nhắc đến những cánh đồng lúa trải dài bất tận thì hiện tại huyện Mê Linh đã trở thành vựa hoa lớn nhất miền Bắc.

Từ khi có nghề trồng hoa, cuộc sống của người dân huyện Mê Linh cũng trở lên khấm khá hơn, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Trong một lần trò chuyện với người dân xã Mê Linh, chúng tôi vô tình biết đến một chàng trai tuy trẻ tuổi nhưng lại có niềm đam mê làm giàu từ nông nghiệp.

Giản dị, chất phác là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi trò chuyện với Lã Xuân Khánh về ý tưởng làm giàu từ trồng sen của Khánh.

Sinh năm 1998, hiện tại đang là sinh viên năm 4, Trường Công nghệ Giao thông Vận tải, chàng trai Lã Xuân Khánh không chỉ là một chàng sinh viên chăm chỉ của lớp mà còn được người dân trong thôn Liễu Trì đánh giá là người chịu thương chịu khó.

Chia sẻ về mô hình trồng hoa sen, Khánh cho biết: “Trước đây, khu vực trồng hoa sen này của gia đình vốn là khu vực trồng lúa, tuy nhiên việc canh tác lúa không đưa lại hiệu quả nên người dân bỏ hoang. Nhận thấy nơi đây có tiềm năng phát triển ao hồ nuôi cá nên gia đình đã thuê để cải tạo, một phần để nuôi cá và phần còn lại cho người dân thuê. Khoảng 2 năm trở về đây, nhận thấy tiềm năng từ trồng hoa sen, gia đình mình đã cùng nhau dọn dẹp cỏ, san lấp ruộng và thuê người trồng sen.”

Khởi nghiệp từ trồng sen - 1
Mô hình trồng sen rộng hơn 50 hecta của chàng trai Lã Xuân Khánh

Để hiểu thêm về cách nuôi trồng, chăm sóc hoa sen, Khánh phải đi khắp nơi để học hỏi, thậm chí vào những ngày nghỉ học, lại một mình Khánh rong ruổi tìm đến những vùng chuyên canh về hoa sen như Bắc Ninh để học hỏi kinh nghiệm.

Được tiếp xúc với hoa sen nhiều, thế nhưng, qua những buổi nói chuyện với các gia đình trồng sen lâu năm Khánh mới biết tới công dụng của lá trang sen, bát sen, bông sen, nhụy sen, gạo sen... Theo Khánh, những kiến thức cơ bản thì hỏi ai cũng được, tuy nhiên với những kiến thức chuyên môn thì nhiều khi phải dựa vào may mắn mới có thể gặp được người có kinh nghiệm để học hỏi.

Khi mới bắt đầu trồng hoa sen, Khánh và bố mẹ gặp rất nhiều khó khăn, áp lực. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là vốn đầu tư ban đầu khá lớn, theo tính toán để phát triển mô hình trồng sen với diện tích trên 50 hecta, gia đình Khánh đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để tôn tạo ruộng thành ao.

Cùng đó chi phí thuê nhân công trồng và thu hoạch cũng không nhỏ khiến nhiều đêm Khánh phải thức trắng để suy nghĩ tìm giải pháp. Cùng đó, việc học tập tại trường vào những năm cuối cũng khá bận đòi hỏi Khánh phải sắp xếp thời gian học tập và làm việc hợp lý.

Sau khi tham khảo ý kiến của bố mẹ, những người trồng sen lâu năm, Khánh đã quyết định trồng thử nhiệm sen quỳ (sen lấy hạt) trên 5 hecta ao, cạnh với vùng ao nuôi cá của gia đình để theo dõi hiệu quả kinh tế mà loài hoa này đưa lại.

Thành công đến từ những thất bại

Để có được thành công với mô hình trồng hoa sen như hiện tại, Lã Xuân Khánh cho hay: “Năm đầu tiên trồng thử nghiệm hoa sen trên diện tích nhỏ nên hoa được thu hoạch không nhiều. Tính trung bình, mỗi ngày, Khánh chỉ thu được từ 100 – 200 bông. Do số lượng hoa ít, thương buôn không lấy nên mỗi khi thu hoạch xong Khánh lại phải chở đến các cửa hàng hoa và chợ hoa lân cận để bán".

Vì số lượng hoa đổ buôn không nhiều nên thời điểm đó, hoa sen của nhà Khánh thường bị các thương buôn ép giá, tiền bán hoa không đủ tiền công trồng và chăm sóc.

Khởi nghiệp từ trồng sen - 2

Hoa sen Bạch Liên được thu hoạch trong buổi chiều để các thương lái đến thu mua.

Dù thất bại trong đợt trồng hoa đầu tiên, thế nhưng, bằng niềm đam mê với nông nghiệp và sự động viên từ phía gia đình, Khánh lại tiếp tục kiên trì theo đuổi ước mơ của mình.

Để giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra cho hoa sen, Khánh quyết định mở rộng từ 5 hecta sen quỳ lên 50 hecta, trong đó nhiều nhất là sen Bạch Liên và sen Bách Diệp.

Cụ thể với diện tích 50 hecta sen các loại, trong đợt thu hoạch sen từ tháng 5 cho tới tháng 9, mỗi ngày gia đình Khánh thu hoạch vài nghìn bông hoa. Với giá đổ buôn 2 nghìn đồng/bông, ước tính sau một vụ, gia đình Khánh thu về hàng trăm triệu đồng khi đã trừ hết chi phí.

Chia sẻ về 2 loại sen mới đưa vào phát triển mang lại giá trị kinh tế cao, Khánh phấn khởi: “Sen Bạch Liên và sen Bách Diệp là loại sen lấy hoa được người chơi yêu thích vì vẻ đẹp sang trọng và mùi hương dịu nhẹ. Nếu cắm một bó hoa sen Bạch Liên trong nhà, đóng kín cửa thì sáng hôm sau, hương sen sẽ tỏa ra khắp phòng và có mùi hương rất dễ chịu, ngay cả khi hoa không còn đẹp thì mùi hương thơm dịu vẫn còn vương lại trong phòng”.

Kể từ khi mô hình trồng sen của gia đình được mở rộng, rất nhiều du khách đã về tận nơi để tìm mua những bông hoa sen Bạch Liên trắng ngần để làm đẹp cho không gian gia đình.

Là người đầu tiên trong xã có ý tưởng phát triển kinh tế từ hoa sen, bởi vậy Khánh rất lo lắng và bối rối vì bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm. Theo Khánh, hoa sen là loài hoa tương đối khó trồng, trong quá trình nuôi trồng, nếu không được chăm sóc tốt, hoa dễ gặp những loại bệnh… khiến hoa bị hỏng. Do đó, khi nuôi trồng hoa sen, thay vì sử dụng thuốc bảo vệ th

ực vật thì Khánh sẽ lấy nước cốt tỏi pha loãng với nước để phun trực tiếp vào sen, từ đó diệt trừ một số sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình pha chế loại nước này, người pha phải pha chế sao cho vừa đủ để cho tỏi không ngấm vào bông sen vì nếu lượng tỏi nhiều quá thì hoa sen sẽ bị mất mùi.

Cùng với việc trồng hoa sen, Khánh cũng học hỏi các mô hình nuôi trồng kết hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, Khánh đã bàn với bố mẹ nuôi thêm cá bên dưới đầm sen. Tuy nhiên, không phải loại cá nào cũng sống được dưới tán lá sen, do đó loài cá được thả chủ yếu là các loại cá đen như cá trắm đen; cá chuối vì nguồn thức ăn của các loài cá này chủ yếu là ốc và cá con, cùng đó bóng mát của lá sen sẽ trở thành nơi trú ẩn lý tưởng trong mùa nóng cho cá.

Nói về hướng phát triển tương lai, ánh mắt của chàng trai Lã Xuân Khánh ánh lên sự nhiệt huyết và quyết tâm. Khánh cho hay, sau đợt thực tập này Khánh sẽ tiếp tục mở rộng mô hình, phát triển về các sản phẩm từ sen.

Bên cạnh đó, Khánh sẽ tìm hiểu học tập các mô hình du lịch sinh thái để phát triển trên tiềm năng đã có như hình thành các khu chụp ảnh cho các bạn trẻ; khu thưởng trà cho người lớn tuổi; khu trưng bày và bán sản phẩm để du khách có được sản phẩm từ hoa sen chất lượng, an toàn ngay tại điểm du lịch.

Theo Lương Hằng/Lao động Thủ đô