1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Khoảng 80.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

(Dân trí) - “Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư và người lao động nước ngoài. Bởi vậy, việc xây dựng chính sách quản lý và khai thác hiệu quả lực lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam rất quan trọng”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy việc làm và quản lý lao động. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 20/2, tại Hà Nội.

Thống kê của BHXH VN cho thấy, cả nước có khoảng trên 80.000 người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó, khoảng 80 % người lao động đã tham gia các chế độ BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2104.

Khoảng 80.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam - 1

Tới thời điểm này, các văn bản pháp luật quy định việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, như: Việc phối hợp thực hiện trong quản lý còn hạn chế, công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển…

“Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam có hiệu quả, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động khi đi làm việc tại nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, trong năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hoàn thiện thể chế, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ kết hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát đánh giá và hoàn thiện quy chế phối hợp theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người lao động nước ngoài.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quốc tế về quản lý lao động, tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có kinh nghiệm của Liên Bang Nga về hệ thống cơ quan nhà nước về việc làm của người dân; kiểm tra nhà nước trong lĩnh vực lao động; kinh nghiệm tổ chức tuyển chọn công dân nước ngoài để tạo việc làm tạm thời…

P.M