Khoảng 1,4 triệu lao động mất việc làm trong 6 tháng đầu năm

(Dân trí) - “Trong 6 tháng qua, khoảng 1,4 triệu người mất việc làm, trong đó lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900.000 người…”.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá vai trò của BHTN với lao động mất việc (Video: Trọng Trinh)

Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) - phát biểu tại Hội nghị “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19”, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 29/6 tại Hà Nội.

Ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng

Theo ông Vũ Trọng Bình, tác động của dịch Covid-19 tới thị trường lao động là không nhỏ và dài lâu. Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp.

Ước tính của Cục Việc làm, trong 6 tháng qua, cả nước giải quyết việc làm cho 540.000 lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, bằng 76,1% cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù trong tháng 6 bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm, nhưng còn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019. Mức giảm ở TPHCM là 28% và TP Hà Nội giảm 23%.

Nhiều doanh nghiệp sử dụng đông lao động đã và đang xu hướng cắt giảm lao động rõ rệt.

Khoảng 1,4 triệu lao động mất việc làm trong 6 tháng đầu năm - 1
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH)

Đơn cử như công ty TNHH PouYuen Việt Nam sẽ chấm dứt hợp đồng lao động 2.786 lao động từ nay tới tháng 8/2020. Công ty dệt may Huê Phong, Công ty gỗ Woodworth Wooden (TPHCM) đã xây dựng kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 lao động/công ty.

Theo Cục Việc làm, lao động mất việc làm tập trung ở các ngành ngành công nghiệp chế biến chế, lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Nguyên nhân là lượng đơn hàng của các doanh nghiệp trên giảm đến 50% và tỷ lệ này còn cao hơn trong những tháng cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, nhiều thị trường lao động lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nên phải ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nhiều đơn hàng tuyển dụng, đợt xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng trong 6 tháng đầu năm.

Giảm quy mô lao động

Đánh giá tổng quát, ông Vũ trọng Bình cho rằng: “Thị trường lao động, Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề. Số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020”.

So sánh trong 10 năm qua, Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng số lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất tại thời điểm này. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Khoảng 1,4 triệu lao động mất việc làm trong 6 tháng đầu năm - 2

Lao động mất việc vì Covid-19 nhận hỗ trợ

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.000 doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.

Qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) riêng trong Quý I/2020 đã có 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, đây là một con số kỷ lục từ trước tới nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới.

Hơn 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% phải giảm tới một nửa quy mô lao động so với hiện nay, hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Theo ông Vũ Trọng Bình, trên cơ sở tính toán sơ bộ, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

“Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người); 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc; lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là 67,8% khu vực công nghiệp, 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản…” - ông Vũ Trọng Bình cho biết.

Hơn 560.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Cục Việc làm, trong 6 tháng đầu năm 2020 số người nộp hồ sơ hưởng trợ ấp thất nghiệp (TCTN) là 565.000 người tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019, số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỷ đồng tăng gần 40% so với năm 2019.

Vùng Đông Nam Bộ là nơi có nhiều người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhất (hơn 200 ngàn người chiếm 37%); tiếp đến vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng Đồng bằng sông cửu Long (hơn 100 ngàn người/vùng chiếm 18%); thấp nhất là Tây nguyên (15 ngàn người 2,6%).

Số lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tập trung nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố nơi có thị trường lao động phát triển, nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất như Thành phố Hồ Chí Minh (88.990 người), Bình Dương (49.297 người), Đồng Nai (33.317 người), Hà Nội (38.154 người).

Về ngành nghề, số lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến và du lịch (tại Đà Nẵng trong số 16.000 hồ sơ thì có tới 5.000 hồ sơ của lao động làm việc trong khách sạn, dịch vụ du lịch (chiếm 34,25%).

 Hoàng Mạnh