1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Khi tôi làm trái nghề

Buồn! Day dứt khôn nguôi! Đó là những cảm giác thường bám theo tôi từ những ngày tôi bắt đầu đi làm công việc trái với những gì tôi được đào tạo trong trường.

Tôi tốt nghiệp khoa báo chí đã vài năm nay. Ra trường, tôi không biết đi đâu, về đâu bởi theo học hệ tại chức nên nhà trường không tạo điều kiện cho chúng tôi thực tập tại các tòa báo.

Hoàn cảnh bản thân cũng như của gia đình rất khó khăn nên tôi cũng không thể nào chọn lựa cái cách ngày ngày đạp xe đạp cà tàng rong ruổi suốt ngày để săn tìm thông tin, mong dần dần được trở thành cộng tác viên một tờ báo nào đấy.

Ước mơ tập tành cầm bút đã tụt lại phía sau, nhường chỗ cho nỗi lo cơm áo gạo tiền xâm chiếm. Phải chăng tôi đã không có được sự bản lĩnh chống chọi với cuộc đời như những bạn trẻ khác?

Tôi đã vác đơn xin việc đi nộp ở rất nhiều nơi nhưng chẳng hiểu sao, nơi nào cũng "ưu ái" giới thiệu cho tôi làm phụ giúp việc nhà và phục vụ bàn.

Những công việc "cao cấp" hơn, dường như họ cố tình lờ tôi khi luôn bảo rằng "người khác đã đăng ký rồi!". Sau một thời gian làm "ô-sin" đến kiệt người, tôi chuyển sang làm trong một quán cà phê của một ông chủ người Hoa.

Ngày đầu tiên, ông chủ quán gọi chúng tôi lại, hỏi: "Khách hàng là gì?". Một số người nhanh nhảu đáp: "Khách hàng là Thượng đế ạ!". Ông chủ lắc đầu, nghiêm giọng: "Đừng nói với tui cái câu sáo rỗng đó. Thượng đế là điều gì đó xa xôi, không có mặt trên đời này. Hãy nhớ, khách hàng chính là... cái nồi cơm của tui, của mấy người đó!".

"Chân lý" cuộc sống sao mà trần tục và cũng rất giản dị, dễ hiểu đến thế! Từ đó, để không ảnh hưởng đến cái "nồi cơm" của mình, từ chủ lẫn khách đều phải cúc cung phục vụ cho khách.

"Khách hàng luôn luôn đúng" - ông chủ dặn thêm. Thế là có những tình huống dở khóc dở cười xảy ra. Khách làm vỡ bao nhiêu cái ly thì không sao chứ chúng tôi lỡ bê chồng ly tách đặt nặng tay một chút là bị nhiếc móc mấy ngày nuốt cơm không nổi.

Khách chê cà phê ngọt quá hay đắng quá; sinh tố chua quá... và không thèm ăn uống thì nhân viên phải chung tiền lại mà đền (giá được tính theo khách hàng phải trả chứ không phải được tính theo giá gốc)...

Những bạn cùng chỗ làm với tôi đều là dân lao động, có trình độ cao nhất là lớp 6. Sau những giờ làm việc, các bạn ấy lại cười nói vô tư, bỗ bã.

Tôi thèm được như họ lắm nhưng sao cứ thấy gượng gạo. Ông chủ tôi thỉnh thoảng nói nửa đùa nửa dọa: "Cô có bằng cử nhân rồi mà chịu làm những công việc này à? Làm bất đắc dĩ thôi, chứ cuối cùng rồi cô cũng "chuồn" đi nơi khác phải không? Như vậy thì ai dám thuê cô lâu dài?...".

Đôi lúc nhìn ra xung quanh, tôi thấy có một số người làm trái nghề như tôi nhưng sao họ vui vẻ và muốn gắn bó cả đời với những công việc trái khoáy ấy.

Lại cũng có những người như tôi, hôm nay làm chỗ này, mai nhảy chỗ khác. Thực tình, ai mà chẳng muốn có một việc làm ổn định, dù là trái nghề hay đúng nghề, nhưng sao mà khó quá?

Theo La Ngà
Thanh Niên