1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Khi thuyền trưởng đi học nghề… thuyền trưởng

Trước đây, ngư dân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm học hỏi từ làm nghề trên biển, chắt lọc từ nghề cha ông truyền lại... Vì thế, quá trình khai thác gặp nhiều hạn chế, sản lượng đánh bắt chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.

Để khắc phục vấn đề này, từ năm 2008 đến nay, tỉnh BRVT đã “chuẩn hóa nghề biển” cho hàng trăm thuyền trưởng và thuyền viên nhờ chương trình đào tạo nghề cho ngư dân.

Tự tin hơn khi ra khơi

Sau khi học xong khóa đào tạo thuyền trưởng, mỗi chuyến ra khơi, anh Võ Văn Lộc (SN 1976, ngụ TP.Vũng Tàu) tự tin hơn vì được trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức xử lý các tình huống trên biển. Theo anh Lộc, suốt 20 năm gắn bó với nghề biển, mọi kỹ năng từ đánh bắt, cách vận hành phương tiện khai thác, xử lý khi tàu gặp sự cố…, anh đều dựa vào kinh nghiệm.

Sau những khóa học, ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu tự tin hơn để vươn khơi, bám biển.  Ảnh: P.T
Sau những khóa học, ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu tự tin hơn để vươn khơi, bám biển. Ảnh: P.T

Năm 2016, anh Lộc tham gia lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá. Khóa học giúp anh có kiến thức để áp dụng hiệu quả hơn cho mỗi chuyến ra khơi. “Dù đã làm thuyền trưởng lâu nay, nhưng khi đi học mới vỡ lẽ ra nhiều điều, kiến thức học được từ khóa đào tạo thuyền trưởng cộng với kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển đã khiến tôi tự tin hơn rất nhiều” - anh chia sẻ.

Thực tế, các khóa học đã giúp bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh nâng cao kỹ năng, kỹ thuật đánh bắt, vận hành phương tiện đánh bắt, từng bước phát triển ngành nghề khai thác hải sản. Ngư dân sau khi trải qua đào tạo đã biết làm chủ trang thiết bị hiện đại trên tàu, tiết kiệm chi phí tiêu hao nhiên liệu, kéo dài thời gian đánh bắt trên biển nhờ nắm vững các kỹ thuật bảo quản thủy sản…

Sau những khóa học, ngư dân càng tự tin hơn để vươn khơi, bám biển. Ảnh: P.T.
Sau những khóa học, ngư dân càng tự tin hơn để vươn khơi, bám biển. Ảnh: P.T.

Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thịnh (35 tuổi, phường 11, TP.Vũng Tàu) cho biết, ngư trường đánh bắt được mở rộng, tàu to, máy công suất lớn và các thiết bị hiện đại hơn khiến anh gặp không ít lúng túng. Khi có sự cố, nhiều khi anh cùng các anh em trên tàu không thể xử lý được và phải nhờ các tàu đánh bắt gần tới hỗ trợ. Tuy nhiên từ sau khi tham gia lớp học thuyền trưởng, máy trưởng năm 2016, anh cùng các ngư dân khác được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng nên có thể tự xử lý được hầu hết các sự cố trên biển.

Chuẩn hóa lao động nghề biển

Tỉnh BRVT cùng với cả nước đang hướng tới việc hiện đại hóa lĩnh vực khai thác thủy sản. Để làm được điều này, trước hết phải từng bước chuẩn hóa đội ngũ ngư dân lao động trên biển.

Ông Nguyễn Văn Bạch (SN 1956, ngụ phường 5, TP.Vũng Tàu) cho biết, gia đình ông đang có 3 cặp tàu cá với 6 thuyền trưởng, máy trưởng và mỗi tàu có hơn 20 thuyền viên làm việc. Từ khi tỉnh triển khai chương trình đào tạo nghề cho thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên, ông Bạch đã tạo điều kiện tối đa cho các lao động hoàn thành khóa học.

Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Trình (thứ 2 từ phải sang) thường xuyên kiểm tra tàu thuyền mùa mưa bão và động viên bà con. Ảnh: P.T.
Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Trình (thứ 2 từ phải sang) thường xuyên kiểm tra tàu thuyền mùa mưa bão và động viên bà con. Ảnh: P.T.

“Khi làm việc trên biển, thời tiết bất thường và các tình huống sẽ xảy ra bất ngờ dẫn tới các lao động phải có kỹ năng ứng phó kịp thời. Vì thế, tranh thủ mỗi chuyến ghe vào bờ, tôi luôn động viên, khuyến khích thuyền viên học tập để nâng cao tay nghề. Thực tế, sau khi được qua đào tạo, anh em nắm vững kiến thức, biết cách xử lý khi gặp sóng gió và vững nghề hơn. Nhiều anh em được nâng cao hiểu biết, xử lý tốt tình huống và bảo đảm an toàn cho phương tiện cũng như những ngư dân làm việc trên tàu” - ông Bạch cho biết thêm.

Là chủ 4 đôi tàu với hơn 50 lao động thường xuyên làm việc trên biển, ông Nguyễn Văn Bảo (ấp Phước Thuận, xã Phước Tỉnh) cho biết, từ khi các thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên được đào tạo bài bản, mỗi chuyến tàu ra khơi ông cảm thấy yên tâm hơn.

Theo ông Bảo, với tính chất bắt buộc của công việc, anh em đều tự giác đăng ký học để có kiến thức vận hành các máy móc, thiết bị hàng hải hiện đại trên tàu. "Tôi nghĩ, với tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản ngày càng cao thì việc đào tạo nghề cho ngư dân là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ giúp chủ ghe và các ngư dân tránh được rủi ro mà còn góp phần tăng hiệu quả sản xuất trên biển” - ông Bảo nói.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, tính đến thời điểm này, BRVT có 6.279 tàu, thuyền tham gia hoạt động khai thác, thu mua thủy hải sản. Trong đó, có 3.116 chiếc tàu cá công suất từ 90CV trở lên khai thác hải sản xa bờ. Hiện 100% thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên làm việc trên tàu đều được qua đào tạo và cấp chứng chỉ.

Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh BRVT cho biết, từ năm 2008 tới nay, tỉnh đã triển khai chương trình đào tạo cho thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên. Hàng năm, có khoảng 300 lao động được đào tạo.

Ông Hoàng cho biết: "Trước đây, ngư dân của BRVT chỉ chạy tàu có công suất từ 90CV đến 350CV, còn hiện nay, với chủ trương đóng tàu vỏ thép từ 500CV trở lên, trang thiết bị hiện đại nên bắt buộc trình độ của lao động phải nâng lên. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi các địa phương, thống kê lại nhu cầu của lao động về tham gia khóa học để phối hợp cùng với các ngành chức năng, các trường, trung tâm sắp xếp tổ chức lớp học phù hợp cho từng đối tượng lao động”.

Theo Danviet.vn